Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất tháng 6/2021?
(DNTO) - Một số ngân hàng vốn giữ ổn định ở nhiều tháng trước thì nay cũng bất ngờ tăng nhẹ lãi suất. Ngân hàng đang có mức lãi suất tiền gửi cao nhất là Ngân hàng Phương đông (OCB) với lãi suất niêm yết ở mức 8,2%/năm.
Mặc dù thanh khoản hệ thống chưa có dấu hiệu quá căng thẳng nhưng động thái điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Thậm chí, tại một số ngân hàng vốn giữ ổn định ở nhiều tháng trước thì nay cũng bất ngờ tăng nhẹ lãi suất.
Điều chỉnh tăng xuất hiện nhiều hơn
Sau khi tăng nhanh và tiệm cận mốc 1,5%/năm, lãi suất liên ngân hàng bắt đầu giảm trong những phiên giao dịch gần đây. Cụ thể, phiên ngày 2/6, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng giảm 0,04 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm.
Sang đến ngày 3/6, mức độ giảm ở kỳ hạn qua đêm và 1 tuần lần lượt là 0,04 và 0,11 điểm phần trăm. Hiện lãi suất liên ngân hàng dừng tại qua đêm 1,34%; 1 tuần 1,50%; 2 tuần 1,62%; 1 tháng 1,68%.
Đánh giá diễn biến này, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, nguồn cung VND của các ngân hàng thương mại lớn hạn chế hơn giai đoạn trước nhưng thanh khoản hệ thống chưa đến mức căng thẳng, chưa tổ chức tín dụng nào phải tiếp cận kênh hỗ trợ nguồn từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, chỉ số CPI tháng 5 chỉ tăng 0,16% so với tháng trước. Thậm chí, trung bình 5 tháng đầu năm chỉ tăng 1,29%, mức tăng thấp nhất 5 năm trở lại đây. Do đó, nhóm nghiên cứu tại SSI nhận định: “Hiện tại, chúng tôi chưa nhận thấy áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn”.
Tuy nhiên, để giữ chân khách hàng trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng chảy qua một số kênh đầu tư khác, nhiều ngân hàng đã phải tăng lãi suất huy động. Điều đáng nói, động thái điều chỉnh tăng biểu lãi suất ngày càng xuất hiện nhiều.
Điển hình như ngân hàng SHB tăng từ 0,1 – 0,3 điểm phần trăm. Theo đó, ở kỳ hạn 36 tháng, lãi suất khi gửi tại quầy hiện nay là 6,4%/năm và gửi online là 6,6%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng lần lượt là 5,8%/năm và 6,55%/năm.
Ngân hàng Sacombank cũng vừa áp dụng biểu lãi suất huy động mới, tăng 0,1 điểm phần trăm ở của các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng lên mức tương ứng 5,7%/năm; 6,3%/năm; 6,4%/năm.
Tương tự, lãi suất tiền gửi tại ngân hàng BacABank kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng tăng 0,1 điểm phần trăm lên áp dụng cùng mức 3,7%/năm. Từ kỳ hạn 3 tháng đến 11 tháng, ngân hàng này tăng 0,2 điểm phần trăm cho mỗi kỳ hạn.
Hay như tại TPBank, ngân hàng này vừa bổ sung thêm gói tài khoản Đắc Lộc với lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm, cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường.
Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất?
Mặc dù có nhiều ngân hàng thay đổi biểu lãi suất tiết kiệm như trên nhưng bảng xếp hạng về mức lãi suất cao nhất lại không có nhiều biến động so với tháng liền trước.
Ngân hàng OCB vẫn duy trì ở vị trí thứ 1 với lãi suất 8,2%/năm. Mức lãi suất này áp dụng cho khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng và được dựa theo biểu lãi suất cơ sở của ngân hàng.
Tiếp sau là ACB với mức 7,4%/năm. Ngân hàng này áp dụng cho các khoản tiết kiệm từ 30 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng.
Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ, kỳ hạn 12 tháng, mức tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên và khách hàng cam kết không được tất toán trước hạn được Techcombank ưu đãi mức lãi suất 7,1%/năm.
Một số ngân hàng cũng có mức lãi suất tiết kiệm cao như MSB với 7,0%/năm; LienVietPostBank với 6,99%/năm; HDBank với 6,95%/năm; Sacombank với 6,95%/năm… Tuy nhiên, các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên.
Đáng chú ý, trong tháng này VPBank đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Hiện ngân hàng đang có lãi suất cao nhất là 6,2%/năm cho gói tiết kiệm Phát lộc Thịnh vượng kỳ hạn 36 tháng và trên 50 tỷ đồng.
Ở phía cuối của bảng xếp hạng là nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Trong đó BIDV, VietinBank, Agribank cùng có lãi suất cao nhất là 5,6%/năm.
Riêng Vietcombank, ngân hàng này triển khai lãi suất cao nhất là 5,5%/năm cho mọi khoản tiền gửi tại kỳ hạn 12 tháng.