4 cảnh báo đầu tư bất động sản hàng hiệu
(DNTO) - HoREA khuyến nghị người mua thận trọng với tiêu chuẩn căn hộ hàng hiệu và hợp đồng mua nhà để đảm bảo an toàn dòng tiền hàng triệu USD.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa phát đi cảnh báo đến khách hàng và nhà đầu tư về sản phẩm mới bất động sản hàng hiệu được chào bán tại khu lõi trung tâm Sài Gòn cuối quý I. Dòng sản phẩm này gây xôn xao dư luận vì phá vỡ mọi kỷ lục về giá bán trong lịch sử hình thành thị trường (hơn 400 triệu đồng một m2 căn hộ). Các sản phẩm mới xuất hiện đình đám song người tiêu dùng còn khá mơ hồ về phân khúc thị trường ngách này.
Bất động sản hàng hiệu (Branded residences) là loại hình bất động sản hợp tác giữa một thương hiệu quản lý bất động sản nổi tiếng toàn cầu với một doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản cao cấp hạng sang, siêu sang. Xuất hiện lần đầu tiên tại New York (Mỹ) cách đây gần 100 năm, song vài tháng qua bất động sản hàng hiệu đang tạo sóng tại thị trường TP HCM, nhắm đến giới siêu giàu và tầng lớp nhà giàu mới.
Khi mua bất động sản hàng hiệu hình thành trong tương lai, khách hàng đã đặt niềm tin vào đẳng cấp của sản phẩm. Trước hết là tin vào uy tín của đơn vị sở hữu thương hiệu toàn cầu (phía nước ngoài), kế đến là uy tín thương hiệu của chủ đầu tư dự án (phía trong nước). Nhưng vẫn có doanh nghiệp mới thành lập chưa lâu, chưa có thời gian chứng minh uy tín, lại phát triển bất động sản hàng hiệu. Thực chất đây là hoạt động đầu tư kinh doanh sản phẩm dự án nhà ở cao cấp hạng sang, siêu sang theo phương thức đứng trên vai người khổng lồ, vay mượn uy tín thương hiệu của bất động sản hàng hiệu nước ngoài để kinh doanh.
Vì bất động sản hàng hiệu đang có giá trị từ triệu USD trở lên, HoREA khuyến nghị khách hàng, nhà đầu tư xem xét 4 vấn đề nhằm đảo bảo dòng vốn hàng chục tỷ đồng được đầu tư an toàn và minh bạch.
Tiêu chuẩn hàng hiệu còn quá mới
Trước hết, một dự án để được công nhận là bất động sản hàng hiệu phải đạt tiêu chuẩn rất cao của đơn vị quản lý thương hiệu và không có bữa ăn nào miễn phí. Để được sử dụng tên của hàng hiệu thì chủ đầu tư dự án phải trả chi phí không hề nhỏ cho đơn vị quản lý thương hiệu. Chi phí này chắc chắn được tính đủ trong giá bán nhà mà người mua phải thanh toán chi phí mượn tên này, kể cả chi phí quảng bá sản phẩm ở trong nước và ở nước ngoài đều được tính đủ vào giá bán nhà.
Vấn đề cần được giải đáp thỏa đáng là khách hàng bỏ tiền mua bất động sản hàng hiệu với giá khủng liệu đã đúng với giá trị thật của căn hộ theo nguyên tắc "tiền nào của nấy", đáng đồng tiền bát gạo hay chưa. Hiện phân khúc bất động sản hàng hiệu vẫn còn quá mới, chưa có tiền lệ kiểm chứng giá trị và tiêu chuẩn chất lượng, vì vậy, nhà đầu tư cần thận trọng trước khi ra quyết định chọn mặt gửi vàng.
Thời hạn sử dụng thương hiệu bao lâu
Thời hạn được sử dụng tên thương hiệu của bất động sản hàng hiệu thường không giống nhau. Có hai trường hợp xảy ra, một là nếu dự án bất động sản hàng hiệu là do chủ đầu tư phát triển dự án, tự cung cấp các dịch vụ, thì tên thương hiệu được sử dụng ổn định lâu dài theo dự án. Hai là dự án bất động sản hàng hiệu được chuyển nhượng quyền sử dụng tên thương hiệu, thời hạn sử dụng phải theo giao kết của hợp đồng, ví dụ trong 10 năm, 15 năm...
Ở trường hợp nhượng quyền, sau thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng, dự án không còn được phép sử dụng tên thương hiệu nữa. Do giá trị của căn hộ hàng hiệu gắn liền với thương hiệu, nhà đầu tư cần yêu cầu được minh bạch thông tin về thời hạn dự án được sử dụng thương hiệu đi kèm.
Rắc rối trong vận hành bất động sản hàng hiệu
Các chủ sở hữu căn hộ chính là người thanh toán chi phí vận hành bất động sản hàng hiệu, kể cả chi phí quản lý vận hành toà nhà trong giai đoạn trước khi thành lập Ban quản trị nhà chung cư. Thế nhưng, nếu chủ sở hữu bất động sản hàng hiệu không thuê đơn vị quản lý vận hành đạt chuẩn thương hiệu nhượng quyền yêu cầu, toà nhà có nguy cơ không được tiếp tục sử dụng tên thương hiệu quốc tế nữa. Điều này có thể gây rắc rối khi chủ nhà phải chi trả mọi chi phí nhưng không có quyền định đoạt cách vận hành bất động sản hàng hiệu vì phải tuân thủ theo tiêu chuẩn của các thương hiệu quốc tế đề ra.
Chiêu tạo khan hiếm bất động sản hàng hiệu
Về phương thức bán hàng, thường thì chủ đầu tư dự án bất động sản hàng hiệu sẵn sàng chi đậm cho công tác quảng bá sản phẩm và thực hiện phương thức ra hàng nhỏ giọt. Họ chia nhỏ rổ hàng để tạo sự khan hiếm và kích thích tâm lý "bạn là một trong số ít người đầu tiên sở hữu bất động sản hàng hiệu" của dự án.
Dự án bất động sản hàng hiệu chỉ giải quyết nhu cầu nhà hàng hiệu cho giới nhà giàu ở đẳng cấp rất giàu, siêu giàu và cho các lãnh đạo tập đoàn nước ngoài cần lưu trú. Tuy nhiên, nếu so sánh với Mỹ có 1% dân số là người siêu giàu, tỷ lệ này ở Việt Nam rất thấp, có thể thấp hơn hàng trăm lần so với Mỹ. Bên cạnh đó, việc mua để cho thuê lại bất động sản hàng hiệu cũng không phải dễ dàng, vì rất kén khách, thị phần bất động sản hàng hiệu không lớn như nhà đầu tư kỳ vọng. Đây không phải là sân chơi dành cho các doanh nghiệp bất động sản, hoặc nhà đầu tư "tay mơ".
HoREA khuyến nghị khách hàng, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các thông tin của dự án bất động sản hàng hiệu và nhất là nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng để tránh bị nhầm lẫn và đánh tráo khái niệm.
Hiệp hội cũng đề nghị các chủ đầu tư dự án bất động sản hàng hiệu giữ chữ tín, cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm, giải thích cặn kẽ hợp đồng mua bán nhà cho khách hàng và có chế độ hậu mãi đúng như cam kết để thực sự mang đến luồng gió mới bất động sản hàng hiệu tại thị trường TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.