Kỷ nguyên số và chuyển đổi số
(DNTO) - Với sự phát triển vượt bậc của khoa học – công nghệ và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lại được thúc đẩy bởi quá trình toàn cầu hóa, thế giới đương đại đang bước vào kỷ nguyên số.
Đây là sự biến đổi to lớn của mọi mặt đời sống xã hội hiện đại, thể hiện vai trò đặc biệt của công nghệ số trong toàn bộ chu trình: Công nghệ số - sản xuất – con người – quan hệ xã hội – môi trường; công nghệ số trở thành nhân tố quan trọng trong lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xã hội.
Kỷ nguyên số làm xuất hiện những dạng thức mới trong đời sống của xã hội của thế giới đương đại như đời sống số, tri thức số, văn hóa số, chính phủ số, đô thị số, công dân số. Kỷ nguyên sẽ được cấu thành bởi kinh tế số và xã hội số. Đó là hai yếu tố có quan hệ mật thiết, tương tác lẫn nhau cùng nâng tầm phát triển của văn minh nhân loại.
Kinh tế số là nền kinh tế mà toàn bộ các hoạt động kinh tế đều dựa trên công nghệ số và nền tảng số, quá trình sản xuất và giao thương đều được tiến hành trên Internet. Kinh tế số cũng là cốt lõi của các loại hình kinh tế đang được lan tỏa như kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế thông minh, kinh tế tuần hoàn. Kinh tế số đang trở thành động lực to lớn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong giai đoạn tới. Kinh tế số tạo điều kiện để tăng năng suất lao động, mở ra không gian tăng trưởng mới cho sự phát triển bền vững, bao trùm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần kiến tạo cho sự phát triển hài hòa, tạo điều kiện cho sự phát triển ổn định, làm giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giảm khoảng cách giàu nghèo, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu.
Xã hội số là xã hội hiện đại mà mọi hoạt động của đời sống xã hội và con người đều được ứng dụng và tích hợp công nghệ số, làm thay đổi trên mọi phương diện của tổ chức xã hội, từ Chính phủ, cộng đồng dân cư đến từng người dân. Xã hội số gồm ba yếu tố cơ bản nhất là Chính phủ số, văn hóa số và công dân số. Đó cũng là ba trụ cột của một quốc gia số.
Chính phủ số là bộ máy chính quyền sử dụng công nghệ số, công nghệ thông tin – truyền thông vào việc quản lý, điều hành để xây dựng nền hành chính khoa học, hiệu quả, minh bạch, dân chủ; xây dựng đô thị thông minh, nông thôn văn minh.
Công dân số là công dân thành thục công nghệ số, có khả năng truy cập các nguồn thông tin số, có khả năng giao tiếp theo chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, thực hiện quyền và trách nhiệm trong môi trường số, sử dụng công nghệ số hiệu quả để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân. Văn hóa số là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của cộng đồng và của mỗi người trong môi trường số nhằm phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc.
Để xây dựng và phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số, chuyển đổi số trở thành yêu cầu tất yếu. Chuyển đổi số là phương thức ứng dụng công nghệ số vào các mô hình và hoạt động của nhà nước, các ngành kinh tế, văn hóa, các doanh nghiệp và đời sống của người dân nhằm tối ưu hóa trong việc sử dụng các nguồn lực để tạo ra năng lực mới, bước phát triển mới.
Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình và phương thức kinh doanh, tạo ra cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Đó cũng là quá trình chuyển đổi từ mô hình và phương thức sản xuất truyền thống sang mô hình số bằng cách sử dụng công nghệ mới trong mọi hoạt động quản lý, sản xuất, điều hành và trong quan hệ giữa người lao động.
Chuyển đổi số bao gồm không chỉ công nghệ số, mà còn các thành phần khác không kém quan trọng là chính sách, quản lý nhân tài, cấu trúc tổ chức bộ máy và lãnh đạo. Vậy nên đó là sự kết hợp một cách hài hòa giữa con người có năng lực với máy móc và quy trình kinh doanh khoa học để đạt hiệu quả cao. Số hóa và ứng dụng số tập trung vào công nghệ và nhân lực.
Đẩy mạnh chuyển đổi số doanh nghiệp và phát triển mạnh mẽ xã hội số nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Việt Nam có một thị trường rất lớn và đầy tiềm năng cho việc phát triển kinh tế số với nguồn lao động dồi dào, gần 9 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, hơn 800 ngàn doanh nghiệp, 44 ngàn trường học, 14 ngàn cơ sở kinh tế. Đây là nguồn tài nguyên số quốc gia quý báu để chúng ta tìm các giải pháp đột phá, khai thác hiệu quả, xây dựng được các nền tảng số vững chắc, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới sáng tạo, đưa đất nước ta nhanh chóng thành nước phát triển, theo kịp nhịp bước của thời đại.