Khủng hoảng trên diện rộng - Làn sóng sa thải càn quét lĩnh vực công nghệ
(DNTO) - Làn sóng sa thải trong ngành công nghệ đang diễn ra ở hầu hết các khu vực trên thế giới, điển hình là các ông lớn Big Tech trong thời gian vừa qua.
Làn sóng sa thải nhân viên của các ông lớn công nghệ
Nền tảng mạng xã hội Twitter - Trong một động thái chấn động, Elon Musk đã có quyết định sa thải gần một nửa số nhân viên của công ty này qua email ngay sau khi nhận chức CEO. Nhiều nhân viên đã chia sẻ rằng họ bất ngờ vì cách đối xử của công ty khi bị cho ra khỏi nhóm chat, không truy cập được tài khoản hệ thống nội bộ trước cả khi nhận email thôi việc.
Meta - Công ty mẹ của Facebook, đang phải đối mặt với việc cắt giảm việc làm lớn và đang tiến hành sa thải hơn 11.000 nhân sự. Trong lá thư gửi nhân viên, Mark Zuckerberg thừa nhận đây là "những thay đổi khó khăn nhất trong lịch sử của Meta".
"Đây là một khoảnh khắc rất buồn và không có cách nào để tránh khỏi. Với những người sắp phải ra đi, tôi muốn cảm ơn các bạn một lần nữa vì tất cả những gì các bạn đã cống hiến cho nơi này", Mark Zuckerberg chia sẻ.
Ông cho biết thêm, những nhân viên bị ảnh hưởng sẽ nhận được 16 tuần lương cộng thêm 2 tuần trên mỗi năm đã làm việc. Meta cũng chi trả bảo hiểm y tế cho các nhân viên này trong 6 tháng tiếp theo.
Nhiều hãng công nghệ lớn khác cũng đang phải đối mặt với việc cắt giảm.
Amazon đã sa thải 150 nhân sự và thực hiện lệnh "đóng băng tuyển dụng" kéo dài trong vài tháng tới - theo Phó chủ tịch cấp cao của Amazon, Beth Galetti. Apple được cho là đang thực hiện việc đóng băng tuyển dụng
Những người đồng sáng lập của công ty là John Zimmer và Logan Green cho biết trong thông báo của họ rằng "Lyft phải trở nên tinh gọn hơn." Công ty gọi xe Lyft cho biết họ sẽ cắt giảm 13% lực lượng lao động, tương đương khoảng 700 việc làm - theo tờ The Wall Street Journal đưa tin.
Tình hình tài chính của các hãng công nghệ lớn như Alphabet, Amazon, Meta, Microsoft đều đi xuống khiến giá cổ phiếu tụt dốc. Tiêu biểu, Meta đã mất hơn 71% giá trị vốn hóa trong năm nay do các nhà đầu tư không hài lòng với tham vọng metaverse của Mark Zuckerberg. Nhiều chuyên gia cũng cảnh cáo, startup phải chuẩn bị cho viễn cảnh tồi tệ hơn khi lãi suất tăng cao cản trở khả năng huy động vốn, dẫn đến việc phải điều chỉnh nhân sự.
Đây có thể là một yếu tố chung cho nền kinh tế lớn hơn?
Theo Fortune, xu hướng này "có thể là một yếu tố chung cho nền kinh tế lớn hơn", đồng thời cho biết thêm rằng một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 90% CEO tại Mỹ tin rằng suy thoái đang cận kề.
Lý giải cho tình hình sa thải hàng loạt này, có ý kiến cho rằng nhiều công ty công nghệ đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về lưu lượng truy cập và doanh thu trong thời kỳ đại dịch khi người tiêu dùng ở nhà với nhu cầu giải trí cao. Nhu cầu cao bất thường đã khuyến khích ngành công nghiệp này tuyển dụng và mở rộng nhiều hơn mức cần thiết. Nhưng bây giờ, tình thế đang thay đổi. Trong khi thị trường việc làm tăng trưởng tương đối mạnh mẽ trong những tháng gần đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, nói rằng nó vẫn "quá nóng". Vì hiện nay có nhiều việc làm hơn số nhân sự, nhân viên đang đòi trả lương cao hơn, do đó làm tăng lạm phát.
Đặc biệt, cổ phiếu của Meta đóng cửa tăng 5% ngày hôm qua (9/11), sau khi công ty thông báo sẽ sa thải hơn 11.000 nhân viên. Ban điều hành của công ty này đang có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn sự suy thoái trong năm qua. Các nhà phân tích đã cân nhắc lại xếp hạng đáng mua của họ đối với cổ phiếu Meta và cho biết có niềm tin vào chính sách của Zuckerberg về việc trở nên “hiệu quả hơn về vốn” trong quan điểm của ông ấy.
Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng việc sa thải chỉ trở thành vấn đề nếu người lao động không thể tìm được việc ở nơi khác, nhưng rõ ràng lao động ngành công nghệ vẫn rất được chào đón: dữ liệu cho thấy ngành công nghiệp này không thiếu việc làm, chỉ tính riêng năm nay đã có thêm hơn 175.000 vị trí để tuyển dụng thêm.