Kinh tế số Việt Nam được đánh giá là thị trường 'hấp dẫn' nhất khu vực Đông Nam Á giai đoạn mới
(DNTO) - Theo báo cáo kinh tế số Đông Nam Á 2022, 83% các quỹ đầu tư kỳ vọng số lượng dự án đầu tư tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn 2025-2030. Việt Nam, Indonesia và Philippines được đánh giá là ba thị trường có cơ hội phát triển tốt đối với kinh tế số.
Tăng trưởng với tốc độ hai con số trong suốt giai đoạn 2019 - 2022, nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á dự kiến đạt mức gần 200 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022, theo Báo cáo nền kinh tế số 2022 được phát hành bởi Google, Temasek, Bain & Company.
Theo như thống kê của bản báo cáo này thì, dự báo thập kỷ kinh tế số của khu vực “mới chỉ vừa bắt đầu”, dự kiến sẽ đạt mức giá trị hàng hóa giao dịch (GMV - Gross Merchandise Volume) hơn 300 tỷ USD vào năm 2025 và có khả năng đạt mức 600 - 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Thị trường kinh tế số Đông Nam Á vẫn sẽ được dẫn dắt bởi Indonesia, tuy nhiên Việt Nam đang có sự bứt tốc và tiệm cận vị trí thứ 2 cùng với Thái Lan.
Trong vài năm trở lại đây, tốc độ phát triển nền kinh tế số của Việt Nam cũng thuộc Top đầu trong khu vực. Số liệu báo cáo của Tập đoàn Meta vừa công bố cũng tổng hợp rằng, 73% người tiêu dùng ở Việt Nam đang sử dụng tin nhắn để liên lạc với các doanh nghiệp, cao nhất trong số các quốc gia được khảo sát.
Cũng theo chia sẻ của các quỹ đầu tư lớn trong nước như FPT, VNG..., Việt Nam đang được xem là thị trường tiềm năng với 83% các quỹ đều có kế hoạch tăng số lượng dự án đầu tư trong giai đoạn 2025 - 2030, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi chung của khu vực liên quan đến quy mô dân số, đặc điểm nhân khẩu học... Việt Nam cũng được đánh giá cao về chất lượng và chi phí nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Tiềm năng phát triển của kinh tế số đang đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong mắt các nhà đầu tư, nhất là với các lĩnh vực công nghệ mới như blockchain hoặc các lĩnh vực vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng như các sản phẩm công nghệ cho giáo dục và sức khỏe.