Khủng hoảng oái oăm: Dân số nghèo và lượng tỷ phú thế giới cùng… tăng!
(DNTO) - Trong khi giá thực phẩm và năng lượng đạt đến mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, tài sản sở hữu của các tỷ phú thuộc các lĩnh vực vừa kể cũng tăng thêm. Thế nhưng, trái ngược với màu hồng ấy lại là tình trạng khủng hoảng khiến hàng trăm triệu người dân khác rơi vào cảnh nghèo túng
Theo báo cáo mới nhất của Liên minh quốc tế tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công Oxfram, tài sản của các tỷ phú trong hai lĩnh vực thực phẩm và năng lượng đã tăng thêm 453 tỷ USD chỉ trong vòng hai năm, tức cứ hai đại gia bỏ túi thêm 1 tỷ USD. Trong khi đó lại có một hình ảnh trái ngược, cảnh rơi vào túng đói của hàng triệu người cực nghèo, cũng chỉ diễn ra trong từng ấy thời gian ngắn ngủi!
Giá lương thực toàn cầu đã tăng hơn 30% chỉ trong năm qua, và 62 tỷ phú lương thực cũng đã lọt danh sách nhà giàu mới cũng chỉ trong từng ấy thời gian. Gia đình Cargill, một trong những tên tuổi đại gia kinh doanh thực phẩm lớn nhất thế giới, hiện có thêm một số thành viên có tài sản đạt bạc tỷ, tăng từ tám người trước đại dịch lên con số 12. Riêng ba công ty của hộ tộc này đã kiểm soát 70% thị trường nông sản toàn cầu.
Thế nhưng, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, kể từ khi đại dịch bắt đầu hoành hành và khi giá thực phẩm cùng chi phí cho năng lượng tăng vọt, thu nhập của những người nghèo nhất lại bị tác động nặng, ngược hẳn một chiều với lợi nhuận đổ vào túi các tỷ phú. Lời cảnh báo lập tức được Oxfam đưa ra, bất bình đẳng gia tăng có thể đẩy thêm 263 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2022. Bối cảnh ấy đã dẫn đến tình trạng, dân các nước thu nhập thấp sống trong hạn hán và xung đột hóa ra lại phải chi tiêu cho lương thực nhiều gấp đôi thu nhập so với thị dân giàu có. Cụ thể là ở Đông Phi, 28 triệu người có nguy cơ chịu thiếu đói nghiêm trọng.
Trong khi đó giá lương thực toàn cầu lại tăng hơn 30% trong năm qua. Bộ mặt trái ngược giàu nghèo bắt đầu hiện ra rõ nét. Tổng tài sản của các tỷ phú hiện ở mức 12,7 nghìn tỷ USD, tương đương 13,9% GDP toàn cầu, tức tăng gấp ba so với năm 2000 vốn chỉ khiêm tốn ở mức 4,4%. Tài sản của 20 cái tên tỷ phú giàu nhất lớn hơn toàn bộ GDP của Châu Phi cận Sahara cộng lại.
Để dễ hình dung hãy ngẫm nghĩ về so sánh này: 5 trong số các công ty năng lượng lớn nhất từ BP, Shell, TotalEnergies đến Exxon và Chevron đang tạo ra lợi nhuận tổng cộng là 2.600 USD mỗi giây. Phần bánh “đắc chí” ấy đang ở mức cao nhất trong 5 năm qua, tăng trưởng 45%, vượt xa bất kỳ ngành nào khác. Một đối nghịch oái oăm về mặt đạo đức đang hiển hiện. Đó là người dân Đông Phi đang thực sự chết vì đói thì vận may của giới siêu giàu trên thế giới “hưởng lộc” từ giá thực phẩm và năng lượng tăng chóng mặt. Lời hô hào “không ai bị bỏ lại phía sau” lúc này xem chừng như dễ trở thành “tiếng vọng trong sa mạc”!
Liệu giải pháp đánh thuế tài sản người giàu để gom được một khoản tiền khổng lồ hầu giúp các nhóm dân dễ bị tổn thương vượt qua cuộc khủng hoảng, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn có dễ thực hiện? Tại Vương quốc Anh, thuế đánh vào các công ty năng lượng đang là một thử nghiệm khởi đầu đáng quan tâm. Nhờ chúng nhà nước có thêm ngân sách để giúp tất cả những người đang gặp khó khăn về lương thực và sưởi ấm. Bên cạnh đó, từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đến Liên minh Châu Âu đều cất giọng đề xuất kêu gọi các chính phủ áp thuế thu nhập lên số lợi nhuận kỷ lục của các công ty năng lượng. Từ đây sẽ dôi ra nguồn tài chính hỗ trợ cộng đồng nghèo đang phải đối mặt với những tờ hóa đơn chi phí năng lượng ngày càng cao.
Cụ thể nước Ý đã trở thành quốc gia tiên phong thực hiện mục tiêu vừa kể. Còn tại Anh, đề xuất này cũng đã lọt mắt chính phủ xem xét và nhận được sự ủng hộ của nhiều nguồn. Giá lương thực toàn cầu cao kỷ lục đang gây ra những biến động chính trị và xã hội lớn. Gần đây, Liên hợp quốc đã ước tính có đến hơn 193 triệu người trên 53 quốc gia đang phải trải qua nạn đói nghiêm trọng. Chỉ đơn cử một xứ sở điển hình: theo phân tích của Resolution Foundation, tại Anh, lạm phát đã tăng lên 9%, mức cao nhất trong 40 năm. 4/5 hộ gia đình nghèo nhất ở quốc gia này sẽ phải vật lộn để sưởi ấm nhà trong những tháng đông.
Thế mà ở mặt trái ngược, đại dịch lại đã tạo ra thêm 40 tỷ phú dược phẩm mới. Các tập đoàn về thuốc đặc hữu mùa dịch như Moderna hay Pfizer đang bỏ túi cả nghìn đô la mỗi giây từ việc kiểm soát cung cấp độc quyền vắc-xin Covid-19 của họ. Thế vẫn cứ là “bội thu” dù họ đã hào phóng chi ra hàng tỷ USD cho những đầu tư công xã hội.
Như vậy, dịch bùng phát cũng khiến bất bình đẳng thu nhập bùng phát theo, tác động tai hại đối với lớp hạ dân yếu thế, mở rộng khoảng cách về lương giữa các giới, đặc biệt là phụ nữ. Trước chi phí thực phẩm và năng lượng đang tăng cao, nhiều nhà nước đang cố gắng tìm những biện pháp dạng “ngắt bớt của người giàu lấp cho dân nghèo” để gắng phục hồi công bằng và bền vững ở những lỗ hổng do đại dịch gây ra. Điều đó cũng không khó hiểu lắm, bởi giới siêu giàu đã tích trữ được gần 8 nghìn tỷ đô la từ các thiên đường thuế nên giờ đây giới này có phải đối đầu với “thuế của triệu phú” đi nữa cũng không hẳn là quá bất công.
Kiểm soát thuế thu nhập, lợi tức, đang là một biện pháp hầu mong mỏi chấm dứt tình trạng trục lợi khủng hoảng của các tập đoàn lớn trên tất cả các ngành. Thực ra đó là một nỗ lực không nhỏ, bởi tổ chức Oxfam ước tính, chỉ riêng mức thuế đối với 32 công ty đa quốc gia siêu lợi nhuận đã có thể tạo ra doanh thu 104 tỷ USD vào năm 2020. Cụ thể hơn, thuế tài sản hàng năm đối với các triệu phú, 2%, và 5% đối với tỷ phú, đã có thể tạo ra 2,52 nghìn tỷ đô la, đủ để đưa 2,3 tỷ người thoát khỏi đói nghèo. Từng ấy tiền cũng chi trả đủ phí vắc-xin cho thế giới và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân và xã hội cho mọi người vốn đang phải sống có thu nhập thấp và trung bình thấp.