Cuộc đua trở thành tỷ phú nghìn tỷ đô đầu tiên nhờ giải quyết vấn đề khí hậu
(DNTO) - Những đại gia công nghệ như Jeff Bezos, Bill Gates, Mukesh Ambani hay Elon Musk đang đua nhau chọn nhiều phương án để giải bài toán vấn đề khí hậu hầu giúp họ đạt được danh vị tỷ phú nghìn tỷ đô la đầu tiên trên thế giới. Ai sẽ có cơ hội cán đích trước?
Lấy mục tiêu giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu làm mốc cho cuộc đua trở thành tỷ phú nghìn tỷ đô la đầu tiên, có một số ứng viên máu mặt quen thuộc trong giới đại phú hiện nay. Nổi trội là Elon Musk, Mukesh Ambani, thứ đến là các ông trùm công nghệ như Bill Gates, Jeff Bezos...
Không phải tự nhiên mà hai cái tên Musk và Ambani được nhắc đến trước tiên trong "bảng phong thần" tiềm năng này. Đó là khả năng tài sản cả hai sở hữu đang rộng đường tiệm cận con số nghìn tỷ USD trong thời gian không dài, và thị trường kinh doanh của họ phát triển từ giá trị này đều liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu.
Giá trị tài sản ròng của Musk dao động gần 200 tỷ đô la, đủ để cố gắng cạnh tranh giành vị trí hàng đầu trong danh sách của Forbes với ông chủ Amazon, Jeff Bezos. Của cải của Musk chủ yếu là do giá trị thị trường từ hãng xe điện Tesla, tính đến thời điểm này là khoảng 750 tỷ đô la. Còn Mukesh Ambani, người giàu nhất châu Á sở hữu tài sản ròng khiêm tốn hơn, chỉ 100 tỷ đô la và xếp thứ 11 trong danh sách tỷ phú. Tuy nhiên điều đáng nói là, khối giá trị tài sản ấy đã tăng đến 3,7 tỷ đô la chỉ trong thời gian ngắn, khi công ty của Ambani tích cực theo đuổi việc sản xuất hydro xanh, sạch, giá rẻ.
Nếu nói chung chung thì mối liên hệ giữa tài sản của Musk và sự gia tăng tài sản hàng tỷ đô la gần đây của Ambani là nằm ở biến đổi khí hậu. Còn diễn giải một cách chính xác, viễn cảnh các dự án kinh doanh trong tương lai của cả hai có tầm cỡ làm chậm đáng kể sự biến đổi khí hậu và giảm thiểu những tác động tồi tệ ngày càng nhiều của tình trạng khủng hoảng này, nhờ đó tiền sẽ đổ về ào ạt.
Điển hình, Tesla có giá trị cao hơn hầu hết phần còn lại của ngành công nghiệp ô tô cộng lại, mặc dù thị phần năm 2020 của công ty chỉ chiếm khoảng 1% doanh số bán bốn bánh mới toàn cầu. Có điều sự trái khoáy ấy là do giá trị thị trường, một sự đặt cược vào tăng trưởng trong tương lai, và các nhà đầu tư tin rằng, nhu cầu giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy việc thay thế mãi vụ các loại xe chạy khí đốt bằng xe điện EV. Điểm đột phá này sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng lớn cho cơ nghiệp Tesla.
Tuy nhiên, xe điện chỉ là một phần nhỏ mà quá trình chuyển đổi kinh tế khổng lồ cần thiết để đạt được mức phát thải carbon ròng vào năm 2050. Trên toàn cầu, con người xả ra khoảng 50 tỷ tấn carbon mỗi năm, trong đó giao thông vận tải tuy chỉ chịu trách nhiệm khoảng 16% lượng khí thải nhưng ô tô và xe tải lại chiếm gần một nửa (chừng 8%) trong danh mục “tội đồ”. Nếu Tesla bán đủ số lượng xe hơi điện góp phần giảm đáng kể trong 8% đó, giá trị tài sản của Elon Musk sẽ vượt qua mốc nghìn tỷ đô la.
Vẫn còn 92% lượng khí thải carbon rất cần được giảm xuống, thế là chúng trở thành cơ hội dồi dào cho Mukesh Ambani và những nhà đổi mới khí hậu khác phát triển để cung cấp nhiều sản phẩm đột phá cần thiết nữa để cứu hành tinh. Nó giống như mối làm ăn bán ô dù khi mùa mưa đến, nhưng lại cung cấp cho cả thế giới nay đang thiếu hẳn mùa khô.
Động thái Ambani nhắm vào nhiên liệu hydro xanh là một đòn đối với đối thủ Musk, vì Mukesh tin chắc rằng phương pháp tiếp cận dựa trên pin của Tesla sẽ không hiệu quả đối với một loạt các quy trình công nghiệp nặng chạy bằng nhiên liệu hóa thạch như xi măng và thép, cũng như với các ứng dụng vận tải như vận tải đường bộ, đường thủy và máy bay. Giới đầu tư xem ra đồng tình với hướng nhắm của Mukesh Ambani, là sẽ có một thị trường rộng lớn cho nhiên liệu hydro tái tạo, giá rẻ, không carbon.
Tuy nhiên, vẫn không thiếu cơ hội để các “tỷ phú anh hùng khí hậu” khác xuất hiện và biết đâu đánh bại cả Musk và Ambani để đạt được cột mốc 1 nghìn tỷ đô la cho tài sản của họ. Cặp đôi tác giả Paul B. Carroll và Tim Andrews đã khái quát một số giải pháp tiềm năng ấy trong tác phẩm nghiên cứu của mình, “A Brief History of a Perfect Future” (Lược sử tóm tắt về một tương lai hoàn hảo). Chúng bao gồm năng lượng đột phá, thủy điện dùng bơm luân chuyển năng lượng, tích trữ nhiệt để sản xuất điện theo ý muốn. Tất cả đều nhắm mục tiêu tương tự của Musk và Ambani: Đi tìm giải pháp giải quyết các cụm khí thải carbon khổng lồ.
Nhóm tỷ phú kế tiếp như Bill Gates, Jeff Bezos và một số người khác đã, đang và sẽ có hàng loạt lựa chọn để đầu tư hầu gia tăng giá trị tài sản trong cuộc đua nghìn tỷ đô này. Chúng là: Nhiên liệu thay thế, bao gồm nhiên liệu sinh học và hydro được sản xuất mà không thải ra carbon. Lưu trữ điện trên quy mô lưới có thể kéo dài cả mùa. Năng lượng địa nhiệt. Sự phân hạch hạt nhân mô-đun an toàn. Phản ứng tổng hợp hạt nhân. Các nhà máy xi măng bên sông Dương Tử, Trung Quốc. Những bước đột phá về phát thải carbon. Xi măng, thép, chất dẻo, phân bón không cacbon, hay thịt và sữa có nguồn gốc từ thực vật và tế bào.
Tóm lại, vài thập kỷ tới sẽ là thời kỳ hoàng kim để các phú gia có tâm có tầm cải thiện hàng tỷ cuộc sống thông qua các giải pháp khí hậu sáng tạo, qua đó gặt hái hàng nghìn tỷ USD của cải trong quá trình này. Biến đổi khí hậu và sức hấp dẫn của sự giàu có mới xem như đã bắt đầu chu kỳ cùng đồng hành.