Khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tồi tệ hơn trước khi tốt dần trở lại
(DNTO) - Do tiến trình tiêm vaccine Covid-19 đang khả quan hơn, nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi từ đại dịch. Tuy nhiên Covid-19 vẫn đang để lại những vết sẹo rất lớn đối với nền kinh tế: đứt gãy chuỗi cung ứng.
Sự lây lan mạnh của Covid-19 trong năm 2020 đã khiến nhiều ngành công nghiệp phải dừng hoạt động trên toàn thế giới với nhu cầu tiêu dùng thấp và hạn chế các hoạt động sản xuất.
Khi phong tỏa được dỡ bỏ, nhu cầu tăng phi mã. Và chuỗi cung ứng đã bị đứt đoạn trong đại dịch lại phải đối mặt với thách thức khổng lồ trước mắt. Điều này đã dẫn đến sự hỗn loạn đối với các nhà sản xuất và phân phối, khi không thể sản xuất hoặc phân phối giống như trước đại dịch vì một số lý do, bao gồm thiếu nhân công hoặc linh kiện sản xuất.
Các khu vực khác nhau trên thế giới đều chứng kiến các vấn đề về chuỗi cung ứng. Ví dụ như việc thiếu điện tại Trung Quốc đã ảnh hưởng tới sản xuất trong vài tháng gần đây, trong khi tại Anh, Brexit đã khiến thiếu hụt nghiêm trọng tài xế xe tải.
Tình trạng sẽ trở nên “tồi tệ hơn”
Thật không may, các chuyên gia như Tim Uy thuộc Moody’s Analytics nhận định tình hình sẽ “tồi tệ hơn trước khi tốt trở lại”. “Khi sự phục hồi kinh tế toàn cầu tiếp tục có động lượng, điều này càng hiển hiện là đứt gãy chuỗi cung ứng xảy ra tại tất cả các lĩnh vực”, Tim Uy cho biết.
“Sự siết chặt quản lý biên giới và hạn chế đi lại, thiếu hộ chiếu vaccine toàn cầu và nhu cầu tăng cao đã cùng nhau tạo nên một cơn bão hoàn hảo do sản xuất toàn cầu bị ảnh hưởng dẫn đến việc giao hàng không đúng hạn, giá và chi phí đều tăng, và GDP toàn cầu sẽ không tăng trưởng mạnh như dự đoán”, Tim Uy nói thêm.
Theo Tim Uy, “nguồn cung sẽ phải chơi trò chơi mèo đuổi chuột trong một thời gian tới khi nút tắc vẫn diễn ra trong tất cả các mạng lưới cung ứng, ví dụ như nhân công, container, cảng, tàu biển, đường sắt, hàng không và kho vận”.
Nút thắt chuỗi cung ứng diễn ra trong ngành sản xuất cũng ảnh hưởng nhiều tới các lĩnh vực khác như dịch vụ và hàng hóa, khiến nhiều loại hàng hóa như xe hơi, đồ điện tử thiếu hụt và sự khó khăn trong việc cung cấp thịt, thuốc chữa bệnh và các sản phẩm đồ dùng trong nhà.
Khủng hoảng chuỗi cung ứng làm chậm lại quá trình tăng trưởng GDP
Khi các nền kinh tế bắt đầu đứng ổn định trở lại, khủng hoảng chuỗi cung ứng trở thành một trong những thách thức lớn nhất và các chính phủ phải đối mặt. Người dân sau đại dịch sẵn sàng mở hầu bao trở lại tuy nhiên các mặt hàng họ cần lại không có hoặc trở nên rất đắt.
Vấn đề này đã trở nên ngày càng trầm trọng trước mùa Giáng sinh, tuần trước các quan chức Nhà Trắng cho biết người dân Mỹ sẽ phải đối mặt với giá cao hơn và kệ hàng trống trong mùa mua sắm năm nay.
Trung Quốc và châu Âu hiện cũng phải đối mặt với vấn đề tăng trưởng do gặp vấn đề chuỗi cung ứng. Hôm 18/10, Trung Quốc báo tăng trưởng GDP quý 3 ở con số đáng thất vọng tại 4,95 so với cùng kỳ năm ngoái khi các hoạt động công nghiệp tăng ít hơn dự đoán trong tháng 9. Nguyên nhân chính dẫn đến sự thụt lùi nêu trên vẫn là khủng hoảng chuỗi cung ứng.
“Lĩnh vực sản xuất bị cú đánh nặng từ đứt gãy chuỗi cung ứng do Covid-19, khi một số hoạt động bị ảnh hưởng nặng nề trong quý 3/2021, khi sự thiếu hụt chip bán dẫn vẫn hiển hiện trong quý 4 này”, nhà kinh tế trưởng Iris Pang thuộc ngân hàng ING nhận định.
Tuần trước, các nhà kinh tế hàng đầu của Đức cũng cảnh báo “nút thắt chuỗi cung ứng tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất tại Đức và sẽ gây tác động xấu đến nền kinh tế lớn nhất châu Âu này”.