Khi các đại gia siêu thị muốn rút chân...
(DNTO) - Emart là cái tên mới nhất trên thị trường bán lẻ Việt Nam mong muốn tìm kiếm doanh nghiệp khác để hợp tác, liên doanh. Điều này cho thấy các nhà kinh doanh bán lẻ cần thận trọng, điều chỉnh chiến lược khi thị trường có nhiều biến động.
Hồi giữa tháng 12, sau khi có tin Emart muốn rút khỏi thị trường Việt Nam, ông Chun Byung Ki, Tổng giám đốc Emart Việt Nam trong 1 thông cáo báo chí cho biết, Emart đã gặp khó khăn trong quá trình triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc mở thêm nhiều địa điểm kinh doanh mới. Do đó, tập đoàn Emart quyết định thay đổi chiến lược bằng cách tìm kiếm đối tác có năng lực ngay tại Việt Nam để cùng nhau mở rộng mô hình kinh doanh.
Từ khi đặt chân đến Việt Nam, cách đây 5 năm đại gia bán lẻ Emart thuộc tập đoàn Shinsegae (Hàn Quốc), được xây dựng trên khu đất rộng hơn 3 héc ta số 366 Phan Văn Trị, quận Gò Vấp. Dù mong muốn tiếp tục mở thêm những siêu thị mới, tuy nhiên ý tưởng này vẫn chưa thể thực hiện được. Đến năm 2020, Covid-19 tràn đến đã làm cho khả năng mở rộng siêu thị của đơn vị này càng mong manh...
Cho đến cuối năm 2020 thì thông tin Emart đang kiếm đối tác để hợp tác kinh doanh được chính Tổng giám đốc Emart Việt Nam xác nhận.
Nhìn lại, trước Emart đã có nhiều đơn vị bán lẻ cũng đang khó khăn và muốn chuyển hướng.
Có thể kể đến là thương vụ Central Group (Thái Lan) chi hơn một tỉ đô la để sở hữu chuỗi bán lẻ Big C năm 2016. Hay Berli Jucker (BJC) Thái Lan đã mua lại hệ thống siêu thị Metro tháng 1/2017 từ tay một doanh nghiệp Đức.
Đến năm 2019 chuỗi Auchan (Pháp) ghi thêm tên vào những người rời khỏi thị trường Việt Nam khi thương thảo thành công với Saigon Co.op để nhận tiếp quản hệ thống 18 siêu thị mang thương hiệu Auchan.
Và cuối năm 2019, ông lớn Vingroup cũng rút lui khỏi mảng bán lẻ siêu thị khi thỏa thuận với Tập đoàn Masan sáp nhập VinCommerce và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông nghiệp (VinEco) vào Công ty Hàng tiêu dùng Masan.
Theo nhiều đánh giá của giới phân tích, Việt Nam là thị trường bán lẻ tìm năng và đang thu hút được sự chú ý của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên sự ra đi của các trâp đoàn bán lẻ siêu thị cho thấy thị trường thực sự không còn “dễ xơi”. Đặc biệt hơn khi Covid và những diễn biến khó lường của thị trường cùng với mảng thương mại điện tử càng ngày phát triển khiến doanh nghiệp bán lẻ phải nhanh chóng thay đổi, điều chỉnh chính sách, chiến lược để tồn tại và kinh doanh hiệu quả.