Khẩn cấp giải cứu ngành chăn nuôi trước nguy cơ 'vỡ trận'
(DNTO) - Ngành chăn nuôi những tháng cuối năm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, để vượt qua những thách thức lớn từ đại dịch Covid-19, Cục Chăn nuôi vừa kiến nghị tới Chính phủ nhiều vấn đề...
Tại diễn đàn trực tuyến “Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Bình Dương năm 2021” ngày 9/10, do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam, khẳng định hiện nay tất cả các sản phẩm chăn nuôi trong nước đều đang bán dưới giá thành khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng nề.
Cụ thể, ngày 9/10, giá heo hơi tiếp tục "rơi tự do" chỉ còn 41.000-42.000 đồng/kg, tức dưới giá thành 20.000 đồng/kg. Gà trắng dù giá hiện ở mức 20.000 đồng/kg, nhưng giá thành sản xuất là 30.000 đồng/kg, gà màu đang bán giá 30.000 đồng/kg, nhưng giá thành 40.000 đồng/kg, gà ta bán giá 45.000 đồng/kg, vẫn thấp hơn giá thành 10.000 đồng/kg. Trứng gà loại một tại trại đang bán với giá 1.250 đồng/quả, trong khi giá thành là 1.850 đồng/quả .
Theo Bộ NN&PTNT, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm cả nước một năm tương đương 20 triệu tấn, và chia theo cơ cấu các sản phẩm chăn nuôi như heo, gà, trứng… thì với giá bán như thời gian qua, tổng lỗ của các công ty chăn nuôi và nông dân trong nước trong năm 2021 dự kiến không dưới 80.000 tỷ đồng, cao hơn 10 lần khoản lỗ của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) công bố tại đại hội cổ đông vừa qua.
Những số liệu trên cho thấy ngành chăn nuôi đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn. Trong đó, nguyên nhân thua lỗ của ngành chăn nuôi chủ yếu là do lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Cùng với đó, phần lớn người sản xuất, doanh nghiệp thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất kinh doanh do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được, lưu thông hàng hóa khó khăn nên sản phẩm quá lứa, ứ đọng; chi phí sản xuất phát sinh quá lớn; việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa, vật tư, sản phẩm ra vào khu vực sản xuất vẫn gặp khó khăn tại các huyện, xã, thôn bản; việc hướng dẫn di chuyển, đi lại cho người lao động tại một số địa phương còn chưa sát thực tế.
Việc triển khai thực hiện “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, giết mổ gặp nhiều vướng mắc, phát sinh chi phí lớn, còn chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương, khu vực.
Một lực lượng lao động lớn trở về địa phương khi thực hiện giãn cách xã hội, nên việc tuyển dụng lại lao động phục vụ sau giai đoạn giãn cách gặp khó khăn.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp dừng sản xuất vẫn phải tiếp tục đóng các khoản chi phí (lương cho công nhân khi nghỉ dịch bệnh, chi phí test, phí công đoàn, BHXH). Trong khi đó, giá sản phẩm giảm sâu khiến sản xuất và thương mại giảm sút cả về lượng và giá trị, giá bán sản phẩm có loại chỉ bằng 30% giá thành.
Để tháo gỡ khó khăn chất chồng cho ngành chăn nuôi, Cục Chăn nuôi kiến nghị Chính phủ 5 vấn đề. Thứ nhất, Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào; giảm thuế bảo vệ môi trường. Đồng thời, gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Thứ hai, Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm đủ 1 mũi và 2 mũi vaccine ở các tỉnh, thành phố để có lao động duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa. Các lái xe và người trên xe sau khi đã được tiêm phòng 2 mũi vaccine thì có thể miễn xét nghiệm hoặc kéo dài thời gian xét nghiệm 1 tháng/lần, để giảm chi phí vận chuyển và tạo điều kiện cho lưu thông.
Thứ ba, Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát lại việc thực hiện “3 tại chỗ” để phù hợp với thực tiễn từng loại hình doanh nghiệp. Phải có các quy định phù cho các cơ sở giết mổ và chế biến khó thực hiện “Ba tại chỗ” có thể định kỳ test nhanh người lao động trực tiếp làm việc.
Thứ tư, Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do Covid-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Thứ năm, Chính phủ có chỉ thị các bộ ngành, địa phương tăng cường sản xuất, lưu thông hàng hóa và xuất khẩu. Cùng với đó, có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh những kiến nghị gửi tới Chính phủ, Cục Chăn nuôi đề nghị nhiều nội dung tới các bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế về việc xem xét mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối; đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử; không để đứt gãy chuỗi cung ứng trong điều kiện Covid-19.
Đồng thời, xây dựng gói tín dụng đặc biệt để hỗ trợ cho hộ chăn nuôi chịu ảnh hưởng của dịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, kiểm tra các địa phương trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với lao động.