Hơn 353 nghìn tỷ đồng dư nợ đã được cơ cấu lại
(DNTO) - "Tính đến cuối tháng 3/2021, thời hạn trả nợ cho gần 263 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ hơn 353 nghìn tỷ đồng đã được cơ cấu lại", bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết.
Hơn 353 nghìn tỷ đồng dư nợ đã được cơ cấu lại
Sáng 14/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức "Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai thông tư 03".
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong những tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải và du lịch, tiêu thụ sản phẩm nông sản ở một số địa phương vùng dịch gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, doanh thu và dòng tiền trả nợ của khách hàng, từ đó tác động đến hoạt động tín dụng ngân hàng.
"Các tổ chức tín dụng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tính đến cuối tháng 3/2021 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ hơn 353 nghìn tỷ đồng được cơ cấu lại", bà Hồng cho hay.
Bên cạnh đó, cũng miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn hơn 660 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỷ đồng. Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3 triệu tỷ đồng cho trên 452 nghìn khách hàng.
Đối với chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, đến 31/1/2021, NHNN đã giải ngân cho Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng số tiền 42,9 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách Xã hội đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ 41,82 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc. Hiện dư nợ của chương trình tại Ngân hàng Chính sách Xã hội đến nay là 39,66 tỷ đồng, tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020.
Cũng theo bà Hồng, mục tiêu đặt ra tại chỉ thị 01 rất rõ đó là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế và hỗ trợ phát triển kinh tế vĩ mô, cũng như duy trì ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối, đảm bảo an toàn các tổ chức tín dụng.
"Tín dụng là lĩnh vực được NHNN quan tâm trong chỉ đạo điều hành, bởi đặc thù của nền kinh tế của chúng ta đó là vốn của yếu của doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Hiện dư nợ tín dụng/GDP trên 140%, số này thường được NHNN đặt ra và lưu tâm trong những năm qua, để điều hành làm sao vẫn đảm bảo được vốn cho nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo được rủi ro", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Nhận định về tình hình tăng trưởng tín dụng trong quý I/2021,ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết tín dụng của quý I tăng trưởng ổn định, các mục tiêu đạt được theo Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước.
"Tín dụng vào chứng khoán vào tháng 11 và tháng 12 năm 2020 tăng trưởng khá nóng, sang tháng 1/2021 đã giảm khoảng 10%, tuy nhiên từ tháng 3 lại tiếp tục tăng trở lại đưa về chỉ giảm 1% so với cuối năm 2020", ông Tuấn Anh cho biết.
Định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế
Bà Hồng cho rằng, để góp phần đạt được mức tăng trưởng GDP năm 2021 là 6% theo mục tiêu Quốc hội giao và mức Chính phủ phấn đấu là 6,5%, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế.
"Tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững", bà Hồng nhấn mạnh.
Đồng thời, kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán. Tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về tín dụng ngành, lĩnh vực, hoạt động mua bán nợ của tổ chức tín dụng, hoạt động bảo lãnh phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực. Kịp thời phối hợp các Bộ, ngành liên quan xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Thống đốc cũng lưu ý, các ngân hàng phải đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, tăng tưởng tín dụng vào lĩnh vực theo đúng chủ trương của NHNN, Chính phủ, tín dụng phù hợp với cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng để phòng rủi ro về chênh lệch kỳ hạn, chênh lệch tiền, đảm bảo khả năng chi trả cho người dân ở bất cứ thời điểm nào.
"Đặc biệt, không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro của tổ chức tín dụng, chúng ta thực hiện vai trò trung gian tài chính nên phải an toàn để phục vụ cho nền kinh tế", bà Hồng nêu rõ.