Hậu FTX - ngã rẽ khó lường cho ngành tiền tệ mã hóa - Bài 2: Hy vọng chính thống
(DNTO) - Hậu scandal FTX, các hãng trong ngành tiền tệ mã hóa đang tìm kiếm một hướng đi mới, trong đó vẫn còn nhen nhóm giấc mơ trở thành phương thức thanh toán chính thống.
Kết cục ô nhục của Sam Bankman-Fried là một vết nhơ lớn trong lịch sử ngành tiền tệ mã hóa (crypto), vốn dày đặc vấn đề.
Lịch sử của ngành crypto bao gồm một thập kỷ đầy rẫy những lần phá luật tài chính truyền thống, gặp rắc rối với các nhà làm luật khắp nơi trên thế giới, và tiếng xấu là một phương tiện tài trợ cho khủng bố, sản xuất vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, máy tính để “đào” tiền tệ crypto như bitcoin tạo ra khí thải carbon ngang bằng với một quốc gia như Ukraine.
Scandal FTX phá sản vào 2022 dấy nên một cuộc khủng hoảng niềm tin vào các loại tài sản kỹ thuật số như bitcoin hay ether - hai đồng tiền crypto đã mất hơn nửa giá trị ngay sau đó. Những hãng kinh doanh lớn như Terraform Labs và Three Arrows Capital nối đuôi nhau sụp đổ.
Đến 2023, các nhà làm luật phản ứng bằng cách tăng cường kiểm duyệt lên mức chưa từng có. Tại Mỹ, chính quyền tung ra hàng loạt vụ kiện vào các công ty crypto lớn vẫn còn trụ lại. Trong số đó có Coinbase và đối thủ của FTX, sàn giao dịch crypto Binance.
Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) đã kiện Binance vào tháng 3, cáo buộc công ty này đã tiếp cận bất hợp pháp đến các khách hàng tại Hoa Kỳ và thậm chí cố tình tạo điều kiện cho các hoạt động bất hợp pháp.
Sau cuộc tấn công khủng bố vào ngày 7/10, cơ quan hành pháp Israel đóng hơn 100 tài khoản Binance và phát hiện 150 giao dịch crypto có liên quan đến Hamas, góp phần củng cố mối lo ngại tiền tệ điện tử có thể hỗ trợ tài chính cho khủng bố.
Charley Cooper, cựu giám đốc của CFTC cho biết: “Ngành tiền tệ mã hóa trở nên nổi tiếng sau sự sụp đổ của Mt Gox và scandal Silk Road. Trong suốt lịch sử của nó, đã có rất nhiều vụ bê bối - chiếm tỷ lệ lớn hơn nhiều so với bất kỳ ngành nào khác".
Sau vụ phán xử Sam Bankman-Fried, đã có nhiều người lo ngại sự nghiệp của họ sẽ bị ảnh hưởng do từng làm việc trong ngành crypto. Một cá nhân trong ngành cho biết: “Tôi có phần lo ngại quá khứ làm việc với crypto sẽ khiến tìm việc làm ở nơi khác khó khăn hơn”.
Scandal FTX đã khiến nhiều tiếng nói có ảnh hưởng trong ngành crypto kêu gọi tập trung tăng cường tính minh bạch. CEO Changpeng Zhao của Binance cho rằng tất cả các sàn giao dịch cần tung ra bằng chứng của dự trữ tài chính, và cam kết sẽ “hoàn toàn minh bạch” trong hoạt động của Binance. Vài ngày sau, sàn giao dịch đối thủ OKX cũng tung ra bằng chứng dự trữ tiền tệ của họ.
Nhưng theo số liệu trong ngành từ CCData, chỉ có một phần ba các sàn giao dịch crypto có thể đưa ra bằng chứng dự trữ hay báo cáo tài chính thường xuyên được kiểm toán.
James Newman, thuộc công ty kiểm toán perfORM Due Diligence Services Limited, cho biết các công ty crypto chậm chạp tăng cường tính minh bạch là vì phần lớn tiền trên các sàn giao dịch thuộc về các người giao dịch lẻ, vốn là động lực chính đằng sau ngành crypto, nhưng không có tiếng nói chung.
Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng ngành crypto cần phải có sự hậu thuẫn của các tổ chức chính thống để tiếp tục phát triển. Và có nhiều dấu hiệu xu hướng này đang diễn ra.
Phải kể đến hãng thanh toán khổng lồ Paypal, trong mùa hè vừa qua đã trở thành hãng tài chính lớn đầu tiên tung ra tiền tệ crypto của riêng họ. Loại tiền tệ crypto này thuộc thể loại tiền tệ crypto ổn định (stablecoin), dựa vào giá trị của một loại tài sản nào đó ổn định hơn, trong trường hợp của Paypal là đồng đô la. Sự kiện này là một tin vô cùng phấn khởi cho ngành crypto.
Hy vọng lớn hơn nữa dựa vào BlackRock, hãng quản lý tài sản lớn nhất thế giới, vừa đạt được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán và Trao đổi Hoa Kỳ (SEC) để mở quỹ giao dịch bitcoin của riêng họ. Điều này sẽ cho phép các nhà giao dịch hoạt động trong một môi trường được quản lý bởi tên tuổi đáng tin cậy.
Hồi tháng trước, niềm hy vọng từ BlackRock đã giúp đẩy giá bitcoin lên 35.000 đô la/ bitcoin, xóa bỏ hoàn toàn mức thất thoát từ cuộc khủng hoảng crypto mà FTX mang lại vào 2022.
Tuy vậy, vẫn chưa có bất kỳ điều gì chắc chắn. Các nhà làm luật đã trở nên thận trọng hơn rất nhiều.
Tháng trước, Thượng nghị sĩ Mỹ, Cynthia Lummis và đại diện French Hill đã kêu gọi Bộ Tư pháp xem xét các cáo buộc hình sự đối với sàn giao dịch lớn nhất thế giới Binance và Tether, nhà phát hành stablecoin lớn nhất.
Sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel, hơn 100 nhà lập pháp từ cả hai đảng chính trị lớn ở Mỹ đã ký một lá thư kêu gọi chính quyền Tổng thống đương nhiệm, Joe Biden, vạch ra các bước để giảm thiểu khả năng tiền điện tử được sử dụng để tài trợ cho khủng bố.
Một nhà vận động hành lang cho ngành crypto ở Washington cho biết: “Sẽ khó khăn hơn để thông qua luật ở Mỹ, khi mà Quốc hội trở nên lạnh lùng hơn”. Vẫn còn phải xem liệu Coinbase và Binance có đủ khả năng thay thế FTX trong vai trò vận động các nhà làm luật.