Các ngân hàng trung ương chực chờ tung ra tiền điện tử. Bài 1: Tìm định nghĩa tiền điện tử quốc gia
(DNTO) - Tiền điện tử được phát hành bởi các ngân hàng trung ương quốc gia sẽ là một bước tiến gây ảnh hưởng sâu sắc lên hệ thống ngân hàng quốc tế, nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu cách hoạt động của chúng.
“Tiền điện tử ngân hàng trung ương” (Central-bank digital currency) là một cụm từ nghe có vẻ rất xa lạ, nhưng ta sẽ cần phải làm quen với nó.
Viết tắt là CBDC, đây sẽ là phiên bản điện tử của các đồng tiền chính thống như đồng đô la, đồng nhân dân tệ, yên và các đồng tiền quốc gia khác.
Thể loại tiền tệ này đang sắp sửa được tung ra, theo các chuyên gia nghiên cứu tiền tệ mã hoá, và ảnh hưởng của sự kiện này sẽ là vô cùng sâu sắc đối với hệ thống ngân hàng.
Làn sóng khổng lồ
Một trăm mười bốn quốc gia đang nghiên cứu khám phá giải pháp tiền điện tử, tổng giá trị nền kinh tế của các quốc gia này chiếm đến hơn 95% GDP toàn thế giới - theo dữ liệu của Atlantic Council.
Trong số đó, các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nigeria và quần đảo Bahamas đã bắt đầu tung ra tiền ảo của riêng họ.
Các nước như Thuỵ Điển và Nhật Bản cũng đang trong quá trình chuẩn bị.
Liên bang Mỹ hiện đang trong quá trình nghiên cứu và chạy thử nghiệm các công nghệ xung quanh tiền điện tử, mặc dù Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Jerome Powell, cho biết họ không có kế hoạch cho việc này và sẽ không thực hiện nếu không có yêu cầu từ Quốc hội Mỹ.
Định nghĩa tiền điện tử quốc gia
Cuộc tranh luận về tính cần thiết, khả năng ứng dụng và các tiềm năng cũng như hiểm hoạ đến từ tiền điện tử quốc gia vẫn đang diễn ra phức tạp, khiến định nghĩa của loại tiền tệ này càng trở nên khó hiểu. Một phần cũng vì mỗi quốc gia muốn theo đuổi tiền điện tử bằng cách riêng của họ.
Thể loại tiền điện tử đầu tiên chỉ đơn giản là một phương thức để các ngân hàng trung ương quốc gia trao đổi tiền mặt với nhau. Loại tiền tệ điện tử này hiện diện dưới dạng một token điện tử, một dạng bằng chứng giá trị, tượng trưng cho giá trị của đồng tiền thật và được theo dõi trên một sổ kế toán chung.
Phương thức này còn có thể cho phép các tổ chức tài chính vận chuyển tiền mặt một cách nhanh chóng, an toàn và ít tốn kém hơn. Đây là một thể loại tiền điện tử vay mượn từ mô hình của tiền mã hoá (cryptocurrency).
Thể loại thứ hai của CBDC là một loại tiền tiêu dùng dành cho công chúng, được kiểm soát bởi các tài khoản chung nằm dưới sự kiểm soát của các ngân hàng trung ương hoặc các ngân hàng thông thường.
Từ góc nhìn của một người tiêu dùng hay chủ kinh doanh, nó không khác gì phương thức thanh toán, gửi tiền điện tử vốn đã trở nên vô cùng phổ biến.
Ưu điểm của thể loại này là các tổ chức tài chính và ngân hàng trung ương có thể phân bổ tiền xuống với người dân bình thường một cách nhanh chóng. Chẳng hạn như các loại tiền kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ kinh tế trong thời kỳ đại dịch khó khăn...
Tiềm năng
Đồng nhân dân tệ điện tử của Trung Quốc là một ví dụ điển hình cho thể loại thứ hai này.
Đồng tiền này đã có thể được sử dụng trong các nhu cầu chi tiêu hàng ngày của người dân nơi đây, thông qua các dịch vụ chi trả điện tử phổ biến như Alipay và WeChat Pay.
Đồng rupee điện tử của Ấn Độ là một thử nghiệm không kém phần mạo hiểm, vì nó cho phép người dân giao dịch lẫn nhau mà không cần có sự can thiệp của các ngân hàng.
Thể loại CBDC này là một bước tiến hoàn toàn khác biệt với tiền truyền thống. Mỗi cư dân sẽ có một “ví tiền ảo” trữ tiền có giá trị thật, được tạo ra và quản lý bởi ngân hàng trung ương quốc gia, khác với tài khoản ngân hàng điện tử của các ngân hàng thông thường.
Đây là một sự chuyển hướng đột phá cho hệ thống ngân hàng trung ương, nâng tầm vai trò truyền thống từ một tổ chức tài chính, quản lý ngân hàng và tiền tệ quốc gia, nay sẽ được kết nối trực tiếp đến từng người dân.