Tiền điện tử không phải là ưu tiên đối với hầu hết các ngân hàng tư nhân
(DNTO) - Ngành công nghiệp tiền điện tử đang phát triển với tốc độ chóng mặt, tuy nhiên có vẻ như nó vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà chiến lược tài chính cũng như nhiều ngân hàng tại Hoa Kỳ.
Ngày 15/7 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), đã tiến hành một cuộc khảo sát tại các ngân hàng lớn nhất của quốc gia để tìm hiểu về kỳ vọng của họ đối với các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan đến tiền điện tử.
Kết quả, có đến 66% trong số 80 giám đốc tài chính Hoa Kỳ (CFO) tham gia đồng ý rằng việc triển khai Công nghệ sổ cái phân tán (DLT), tiền điện tử hay các sản phẩm phân quyền không phải là ưu tiên để đạt được tăng trưởng và phát triển về kinh tế. Ngoài ra, các CFO cho rằng ngân hàng của họ không thấy những công nghệ này có ảnh hưởng lớn đến việc quản lý thanh khoản trong vòng 2-5 năm và 5-10 năm tới.
Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng đang cảm nhận được sự bất ổn về thị trường tiền điện tử và kinh tế nên đang rất thận trọng, nhưng không nhắm mắt làm ngơ bởi sự phát triển không ngừng của tiền điện tử nói riêng cũng như công nghệ blockchain nói chung.
Mặt khác, trong 1/4 số người tham gia khảo sát lại cho rằng blockchain và công nghệ sổ cái phân tán được coi là ưu tiên khi được hỏi về các chiến lược để cải thiện cơ sở hạ tầng.
FED không chào đón tiền điện tử, nhưng 'gật đầu' với CBDC
Trước đó, ngày 17/6, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Cục Dự trữ Liên bang đang xem xét tung ra một đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ (CBDC). Trong bài phát biểu tại hội nghị Washington, ông cho rằng những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra trong hệ thống tiền tệ toàn cầu có thể ảnh hưởng đến vai trò quốc tế của đồng đô la trong tương lai, việc tung ra CBDC có thể giúp “duy trì vị thế quốc tế của đồng đô la.”
Tuy nhiên hiện tại FED vẫn chưa có ngày dự kiến ra mắt đồng đô la kỹ thuật số.
Nói đến CBDC hay tiền tệ tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, thì không ai qua khỏi Trung Quốc, tính tới thời điểm hiện tại, gã khổng lồ Châu Á đã có gần 4,6 triệu điểm giao dịch trong nước chấp nhận thanh toán bằng e-CNY.