Giải quyết 'nút thắt' để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản
(DNTO) - Đây là nội dung được đề cập trong hội thảo “Tạo đà phục hồi của thị trường bất động sản phía Nam” vừa được tổ chức, nhằm nhận diện thách thức, rủi ro và đề xuất giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản TP.HCM và các tỉnh phía Nam phát triển sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Tại hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng); bà Lã Hồng Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ GTVT); PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT); ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; GS – TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; cùng các chuyên gia kinh tế, đại diện các sở, ban, ngành các tỉnh phía Nam và các doanh nghiệp đầu tư bất động sản…
Sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam đã tạo ra những thách thức chưa từng có đối với nền kinh tế đất nước, trong đó có thị trường bất động sản. Sau khi kiểm soát được dịch bệnh, cùng với công tác triển khai Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, thị trường bất động sản cả nước nói chung và phía Nam nói riêng đang từng bước khởi sắc.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản phía Nam đang công bố, ra mắt nhiều dự án, sản phẩm mới để thích nghi với sự trở lại của thị trường bất động sản cả nước. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia dự báo rằng, thị trường bất động sản đang đứng trước nhiều cơ hội mới, lực đẩy mới để phục hồi, phát triển mạnh mẽ trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Cùng với đà phục hồi kinh tế và gia tăng đầu tư cả trong và ngoài nước, nhu cầu bất động sản công nghiệp sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Diện tích đất khu công nghiệp phía Nam có thể sẽ tăng hơn 3.500ha trong năm 2022 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong khu vực, chủ yếu từ Đồng Nai, Bình Dương và Long An.
Đặc biệt, cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh phát triển với các dự án sắp và đang triển khai như 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ; giai đoạn 1 sân bay quốc tế Long Thành cùng gói hỗ trợ 114 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách cho đầu tư kết cấu hạ tầng sẽ gia tăng tính kết nối vùng, sẽ là lực đẩy mới cho sự phát triển của thị trường bất động sản.
Với xu hướng phát triển du lịch xanh, du lịch golf cũng là cơ hội cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; bất động sản golf.
Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, tại hội thảo, những khó khăn cũng được nêu ra như thủ tục hành chính, nhất là đất đai vẫn còn nhiều vướng mắc, nhiều nút thắt pháp lý, cấp phép dự án mới chưa được tháo gỡ; chính sách đấu giá quyền sử dụng đất gắn với dự án bất động sản chưa được hoàn thiện; khung pháp lý một số loại hình bất động sản như Condotel, Officetel chưa rõ ràng. Tình trạng vi phạm pháp luật của một số chủ đầu tư chưa được các cơ quan chức năng xử lý cũng đang tác động đến tâm lý thị trường.
Bài toán về vốn cho doanh nghiệp bất động sản cũng đang được đặt ra khi Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng vào bất động sản và các cơ quan chức năng đang rà soát lại việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp… Thêm vào đó là những thách thức liên quan đến rủi ro lạm phát, dịch bệnh chưa lường trước được, giá đất tăng, mất cân bằng cung cầu…
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, trong kế hoạch phát triển xã hội 5 năm 2021 – 2025, khu vực TP.HCM và các vùng lân cận sẽ được đầu tư nhiều dự án hạ tầng quan trọng. Tuy nhiên, phát triển hạ tầng cần đồng bộ và hài hòa với phát triển bất động sản và thực hiện các chính sách kinh tế xã hội quan trọng khác như quản lý dân cư, tiếp cận giáo dục và y tế, dịch vụ công, thu hút đầu tư…
Còn theo bà Lã Hồng Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ GTVT), trong nhiều năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng tại TP.HCM đã được Trung ương và thành phố quan tâm đầu tư. Bà cũng nhấn mạnh: "Bộ Giao thông Vận tải đang kiến nghị một số nội dung để giải quyết “nút thắt” về hạ tầng tương xứng với vai trò của thành phố là cầu nối, trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước (Vùng Đông Nam Bộ) và khu vực sản xuất lúa gạo, thủy sản trọng điểm quốc gia (Vùng Tây Nam Bộ)".
Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận, kiến nghị giải pháp về một số vấn đề liên quan đến pháp lý, chính sách cho các doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong thời gian tới.