Giá vàng nhẫn đu đỉnh, lần đầu 'vượt mặt' vàng miếng và dự báo từ chuyên gia
(DNTO) - Đang ở "thế dưới" khi thường xuyên rẻ hơn vàng miếng 7-8 triệu đồng, lần đầu tiên trong lịch sử giá vàng nhẫn đã chính thức tăng vượt mặt vàng SJC. Trong bối cảnh thanh khoản tốt, có nên mua vàng nửa cuối năm 2024 là câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư quan tâm thời điểm này.
Cú 'soán ngôi' hy hữu của vàng nhẫn
Hơn một tháng qua, giá vàng miếng SJC không có sự điều chỉnh, giữ nguyên tại vùng giá 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua - bán). So với mức đỉnh 92,4 triệu đồng thiết lập ngày 10/5, giá vàng miếng đã giảm hơn 15 triệu đồng/lượng.
Trong khi giá vàng miếng "bất động", giá vàng nhẫn lại liên tục biến động theo giá vàng thế giới. Đáng nói, giá vàng nhẫn trơn không chỉ áp sát giá vàng miếng SJC, mà còn “vượt mặt” thương hiệu vàng quốc gia này với giá bán ra hơn 77 triệu đồng/lượng vào hôm 12/7 và duy trì giá này đến sáng 14/7.
Cụ thể, sáng 14/7, vàng miếng SJC chốt tuần với giá mua vào 75,48 triệu đồng/lượng và bán ra 76,98 triệu đồng. Vàng miếng SJC đã bất ngờ tăng thêm 500.000 đồng ở chiều mua sau khi duy trì ở giá này hơn 1 tháng. Riêng chiều bán ra của vàng miếng SJC vẫn đứng yên không thay đổi.
Trong khi đó, vàng nhẫn tại SJC được mua vào với giá 75,15 triệu đồng và bán ra 76,65 triệu đồng. So với cuối tuần trước, mỗi lượng vàng nhẫn tăng 550.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 450.000 đồng ở chiều bán ra. Tương tự, Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vàng nhẫn với giá 75,68 triệu đồng và bán ra 76,98 triệu đồng, tăng 300.000 đồng sau một tuần; Doji cũng nâng giá mua vàng nhẫn lên 75,9 triệu đồng và bán ra 77,15 triệu đồng, tăng 470.000 đồng… Hiện vàng nhẫn tại Doji đã cao hơn vàng miếng SJC với mức 170.000 đồng/lượng.
Đây là biến động "chưa từng có" của giá vàng trong nước suốt thời gian qua. Trước đó, dù cùng là vàng 24K nhưng giá vàng miếng SJC thường xuyên cao hơn vàng nhẫn cả chục triệu đồng/lượng.
Phân tích về nguyên nhân của hiện tượng này, các chuyên gia nhận định, giá vàng nhẫn đang chịu tác động từ việc giá thế giới tăng mạnh trên 2.400 USD/ounce. Điều này tạo tác động, đẩy giá vàng nhẫn trong nước vượt 77 triệu đồng/lượng.
"Trong khi giá vàng miếng SJC đang được Ngân hàng Nhà nước điều tiết, giữ ở mức 76,98 triệu đồng/lượng thì việc giá vàng nhẫn vượt giá vàng miếng SJC là điều dễ hiểu", Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Phó Chủ tịch Hiệp hội vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh cho rằng, ngoài ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, một nguyên nhân khác khiến giá vàng nhẫn tăng cao là mặt hàng không được Nhà nước quản lý. Điều này khiến giá vàng nhẫn ngày càng đắt đỏ, nhanh chóng vượt giá vàng miếng.
“Về nguyên tắc vàng chỉ là 9999 thôi, dù là vàng miếng hay vàng nhẫn đều có giá trị như nhau. Nguyên nhân vàng miếng đắt hơn là do trước đây chúng ta quá sùng bái vàng miếng SJC nên giá vàng miếng mới được đà tăng cao như vậy. Do vậy, khi vàng quay trở về lấy chuẩn 9999 làm đo lường thì nó sẽ quay về với giá trị thật và khi cái gì dễ mua hơn thì người tiêu dùng mua nhiều”, ông Khánh nhận định.
Nên lưu ý vàng nhẫn trong danh mục 'xuống tiền'
Nhận xét về chuyển động của thị trường vàng trong thời gian qua, tại tọa đàm “Đầu tư vào vàng, chứng khoán hay bất động sản nửa cuối năm”, vừa diễn ra, ông Trần Ngọc Báu, CEO Công ty CP Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup cho biết, trong 6 tháng đầu năm vàng nhẫn là kênh đầu tư có hiệu suất tốt nhất trong số các kênh: cổ phiếu, trái phiếu, ngoại tệ, tiền gửi, trái phiếu chính phủ.
Cụ thể, giá vàng nhẫn đã ghi nhận mức tăng 22% trong 6 tháng qua, trong khi vàng miếng SJC chỉ ghi nhận hơn 4%; chỉ số Vn-Index tăng 10%; lãi suất các ngân hàng được điều chỉnh nhưng mức sinh lời chỉ quanh 1,5% – 2,5%; mức tăng của USD là 4,3%; trái phiếu hơn 7%.
“Ngay từ đầu năm chúng tôi đã khuyến nghị nhà đầu tư nên có vàng trong danh mục và chúng tôi chọn vàng nhẫn bởi đối với vàng miếng, Việt Nam đang phải giải quyết vấn đề liên quan đến chính sách. Do đó, vàng nhẫn an toàn hơn vì biến động sát hơn với thế giới”, ông Báu nói.
Đồng thời dự báo, vẫn còn những yếu tố tác động khiến giá vàng tăng trong thời gian tới. Đó là việc ngân hàng trung ương các nước có thể tích thêm vàng trước sức ép về sự thay đổi đồng tiền dự trữ hay việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất… Đây sẽ là động lực cho giá vàng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo, nếu trong tương lai vàng nhẫn có tác động đến kinh tế vĩ mô như dự trữ ngoại hối, nhập khẩu vàng, ảnh hưởng tình hình lạm phát… thì có khả năng cần phải đi vào diện kiểm soát chứ không để bán tự do như hiện nay.
“Nếu vàng nhẫn lên cao và thay thế vàng miếng thì đó là hiện tượng rất đáng quan tâm, lo ngại và vàng nhẫn cũng sẽ được Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đưa vào quản lý như vàng miếng thì giá có thể bị kéo xuống. Nhà đầu tư cần cẩn trọng và chờ đợi thị trường chứ không nên vội vã, đổ xô mua vàng nhẫn”, ông Hiếu khuyến cáo.
Do đó, dù là khoản đầu tư tốt, khuyến cáo tỷ trọng đầu tư vào vàng không nên quá nhiều vì là tài sản phòng thủ, chỉ nên vào "giỏ hàng" khoảng 5%. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể nắm giữ vàng nhưng không phải quá hấp dẫn để tăng tỷ trọng. Về mặt dài hạn, nắm giữ các tài sản khác hấp dẫn hơn.
"Khi rót tiền vào vàng, nhà đầu tư không nhận được cổ tức hay lãi suất, điều này có nghĩa là lợi nhuận từ đầu tư vàng chủ yếu đến từ chênh lệch giá mua và giá bán", chuyên gia cho hay, đồng thời lưu ý các nhà đầu tư thay vì tập trung dự báo giá vàng, nên theo dõi chênh lệch giữa vàng miếng và nhẫn trơn để có cách đầu tư phù hợp.