Giá lúa gạo đồng loạt giảm mạnh sau Tết, thương lái bỏ cọc vì sợ thua lỗ
(DNTO) - Hai tuần qua, giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục sụt giảm mạnh. Nếu như trước Tết giá lúa dao động 9.400-9.500 đồng/kg thì sau Tết, giá lúa đông xuân chỉ còn khoảng 8.600-8.900 đồng/kg tùy loại. Nhiều thương lái bỏ tiền cọc vì sợ "bị hớ", thị trường giao dịch chậm với tâm lý chờ giá giảm thêm nữa.
Chỉ trong 5 ngày giá lúa đã giảm đến 1.000 đồng/kg
Ghi nhận lúa gạo hôm nay 23/2 tại thị trường trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh 200 - 400 đồng/kg. Đơn cử, tại An Giang, bình quân giá lúa tươi mua tại ruộng dao động quanh mốc 7.800 – 8.700 đồng/kg.
Cụ thể, giá lúa IR 504 ở mức 8.200 – 8.400 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 8.400 – 8.600 đồng/kg, giảm 200 – 400 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 8.400 – 8.600 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 8.300 – 8.500 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg; Nàng Hoa 9 duy trì ổn định ở mức 8.600 – 8.700 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg. Riêng lúa Nhật giá không đổi, ở mức 7.800-8.000 đồng/kg...
Với mặt hàng gạo, hôm nay (23/2) giá gạo chững lại và đi ngang sau nhiều phiên giảm mạnh. Cụ thể, tại các kho gạo chợ tại An Cư, Cái Bè (Tiền Giang), giá gạo nguyên liệu OM 18, ở mức 12.300 – 12.400 đồng/kg; gạo Đài thơm 8 ở mức 12.600 – 12.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 dao động quanh mức 11.800 – 11.900 đồng/kg; gạo nguyên liệu ST 21 ở mức 13.900 – 14.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu ST 24 ở mức 14.400 – 14.600 đồng/kg.
Nếu tính từ ngày mùng 6 Tết Nguyên đán đến nay, hiện giá gạo khu vực ĐBSCL đã sụt giảm đến 1.000 đồng/kg. Còn nếu so với trước Tết, giá gạo đã giảm đến 2.000 đồng/kg.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho hay nông dân trồng lúa hiện rất lo lắng khi giá lúa giảm quá nhanh, nên nhiều thương lái không thương lượng được giá mua với chủ ruộng đã bỏ cọc để tránh thua lỗ, mức cọc phổ biến ở mức 3 triệu đồng/ha.
"Hiện giao dịch rất ảm đạm do các doanh nghiệp khá dè dặt khi mua vào, giá lúa thường tại ruộng tuần này lại giảm so với tuần trước gần 300 đồng/kg. Hiện giá lúa rất khó đoán định nên số “cò” hỏi mua giảm rất mạnh. Song, lúa chín thì phải bán, không thể để rục ngoài ruộng nên dù giá giảm, nông dân vẫn phải bán”, ông Bình nói.
'Giá lúa giảm không phải là hiện tượng bất thường'
Lý giải nguyên nhân giá gạo xuất khẩu của ta đột ngột giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp cho biết, gạo Việt Nam trước đó duy trì ở mức giá cao hơn Thái Lan và Pakistan, hiện đang vào vụ mùa chính của năm 2024 nên lượng cung dồi dào, dẫn tới việc các nhà nhập khẩu lớn từ Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc... tìm cách trì hoãn đặt hàng, với mong muốn "đè" giá giảm sâu hơn nữa để mua được giá tốt nhất.
“Các giao dịch chào bán thời điểm này của doanh nghiệp có phần thận trọng hơn bởi giá gạo xuất khẩu đang có xu hướng giảm. Giá xuống đột ngột quá nên khách hàng có xu thế chờ giá giảm thêm hoặc chờ thị trường ổn định mới hỏi mua”, ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (Long An) chia sẻ.
Ông Phạm Thái Bình, CEO Trung An nhấn mạnh: Giá lúa Việt Nam những tháng cuối năm 2023 tăng cao là do doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp đồng, bán gạo trước, thời điểm giao hàng cuối năm cuối vụ... phải mua lúa bằng mọi giá, kể cả khi nông dân neo giá cao quá mức, như vậy, thời điểm đó sức mua "nóng" mà nguồn cung hạn chế thì giá tăng. Nay "cầu" giảm, sức mua ít thì giá lúa giảm là hết sức bình thường.
"Hiện nay một số quốc gia truyền thống lớn của Việt Nam không chấp nhận giá gạo cao đột biến như cuối năm 2023 nên giá lúa giảm so với cuối năm 2023 là điều tất yếu, không phải là hiện tượng đột biến”, ông Phạm Thái Bình khẳng định.
Các chuyên gia dự báo, giá lúa gạo nội địa trong tuần tới sẽ tiếp tục sụt giảm khoảng 500 đồng/kg. Khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tranh thủ trữ hàng để đàm phán ký hợp đồng và giúp thị trường bình ổn trở lại.
Tuy nhiên, xu thế giảm của giá gạo sẽ không kéo dài bởi nhu cầu lương thực của các nước vẫn rất cao, nguồn cung lại hạn chế vì thời tiết năm nay bất lợi trên toàn cầu. Điều đáng nói, mặc dù giảm khá mạnh, nhưng giá gạo Việt Nam vẫn cao nhất trên thị trường thế giới. Tính toán từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu xuất khẩu 3 triệu tấn gạo với giá 614 USD/tấn, Việt Nam có thể mang về trên 1,8 tỉ USD trong vụ đông xuân này.
Theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp này đang tập trung thu mua để xuất khẩu các đơn hàng gạo đã trúng thầu trước Tết Nguyên đán, đặc biệt là đơn hàng gạo của cơ quan hậu cần của Chính phủ Indonesia (Bulog) vừa được Bulog công bố vào đầu tháng 2 này.
"Các doanh nghiệp gạo Việt Nam đã trúng gói thầu hơn 400.000 tấn gạo trắng 5% tấm trên tổng số 500.000 tấn mở thầu cho Bulog. Đối với thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất là Philippines (chiếm khoảng 40% thị phần), mới đây bên vừa ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo. Những thông tin này cho thấy sự tiến triển tích cực của lúa gạo Việt Nam xuất khẩu trong năm 2024", ông Nguyễn Duy Thuận đánh giá.