Giá hàng hóa tăng nhẹ, người dân vẫn “mạnh tay” chi tiêu mua sắm Tết
(DNTO) - Theo Bộ Công thương, nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng khoảng 4-7% so với cùng kỳ năm ngoái do kinh tế khởi sắc.
Thị trường sôi động hơn năm ngoái
Sáng 8/12, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão.
Theo Tổ Điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương), kinh tế từng bước phục hồi sau đại dịch nên thị trường hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Người dân bắt đầu “mạnh tay” chi tiêu mua sắm Tết, nhu cầu dự kiến sẽ tăng khoảng 4-7% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự trữ hàng hoá ước tăng khoảng 7-10% so với cùng kỳ, tập trung một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... Giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
“Việc kiểm soát giá cả, điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, điều hành đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định là hoạt động quan trọng vì tháng 12 và cuối năm, việc kiểm soát giá cả sẽ tạo dư địa kiểm soát lạm phát năm 2023”, bà Phùng Ánh Ngọc, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chia sẻ.
Tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin, tổng giá trị hàng hóa phục vụ cho 3 tháng trước, trong và sau Tết năm nay khoảng 39.500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước.
“Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ 131 xe chở hàng hóa thiết yếu của 23 doanh nghiệp được lưu thông 24/24g để đảm bảo phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết”, bà Lan nhấn mạnh.
Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết các doanh nghiệp đã dành 22 nghìn tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong 2 tháng Tết. Dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2-3 lần so với các tháng bình thường. Tại Đà Nẵng, giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết dự kiến khoảng 1.850 tỷ đồng.
Xăng dầu bán xuyên Tết, nhiều sản phẩm giảm giá 50%
Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết thị trường xăng dầu đã cơ bản trở lại bình thường. Dự báo nhu cầu Tết sẽ tăng nhưng nguồn cung xăng dầu trong nước và nhập khẩu cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho trước, trong và sau Tết.
“Vào dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp xăng dầu cam kết sẽ tổ chức bán hàng bình thường. Hiện không còn tình trạng xếp hàng ở các cửa hàng xăng dầu. Vừa qua, có những cửa hàng bán tăng đến 70%”, ông Khanh nhấn mạnh.
Với hàng tiêu dùng nhanh, Tập đoàn Central Retail Việt Nam, đơn vị sở hữu hệ thống chuỗi siêu thị Big C/GO, cho biết sẽ cung cấp tất cả các sản phẩm bánh kẹo Tết, nước ngọt, bia, rượu với giá cạnh tranh và nhiều chương trình khuyến mại như mua một tặng một, giảm giá 50%...
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước, thị trường hàng hóa dự báo vẫn sẽ khó khăn. Nguyên nhân là từ ngày 7/12, EU áp giá trần với xăng dầu của Nga. Điều này có thể khiến Nga tìm nguồn khách hàng khác và EU tìm nguồn cung khác, khiến thị trường biến động khó lường. Trong khi với lượng tiêu thụ hiện nay, Việt Nam không phải là đối tượng ưu tiên cho nhập khẩu xăng dầu. Bên cạnh đó, giá thịt lợn xuống thấp có thể dẫn đến nguy cơ người dân không tái đàn.
“Vậy nguồn cung ở đâu và kiểm soát giá như thế nào? Tất cả những dấu hiệu này cần phải nhìn nhận rõ ràng để có kế hoạch chuẩn bị”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đặt vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đưa ra 8 việc quan trọng cần làm để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường. Đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương trong theo dõi sát diễn biến giá cả. Các cơ quan, Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu, tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ nguồn hàng cho thị trường.