Giá đất tăng 5-10%, điểm sáng hạ tầng: Nhịp tăng trưởng mới cho bất động sản Tây Nam bộ
(DNTO) - Năm 2024, giá bất động sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng, đặc biệt phân khúc căn hộ có thể tăng từ 5 – 10%. Cùng với đó, tiềm năng lớn khi hàng loạt dự án hạ tầng giao thông hoàn thành được kỳ vọng là “điểm nóng” đầu tư bất động sản trong vùng.
Giá căn hộ sơ cấp ở Tây Nam Bộ sẽ tăng từ 5 – 10%
Các chuyên gia nhận định, 2024 là năm bản lề trong chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường bất động sản Việt Nam, trong đó, bất động sản Tây Nam bộ được đánh giá là thị trường nổi bật, điểm sáng về biên độ lợi nhuận khi sở hữu mặt bằng giá bất động sản thấp so với cả nước, động lực và nền tăng trưởng kinh tế cao.
Tại Hội nghị "Bất động sản Tây Nam Bộ năm 2024 – Đón cơ hội trong vận hội mới", chiều 22/2, ông Phạm Văn Luận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ nhận định, sóng gió của thị trường bất động sản Tây Nam Bộ đang dần khép lại từ cuối năm 2023. Thị trường bắt đầu xuất hiện những điểm sáng, tạo bước đệm để ngành bất động sản khởi sắc trong những năm sắp tới.
Ông Luận thông tin, số liệu thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ cho thấy, năm 2023 tổng lượng giao dịch bất động sản tại TP. Cần Thơ giảm 20% so với năm 2022, đạt 7.155 giao dịch. Tuy nhiên, trong quý 4/2023, lượng giao dịch tăng 8% so với quý 3/2023. Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực của thị trường.
Đối với khu vực Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, nguồn cung sơ cấp quý 4/2023 khoảng hơn 2.600 sản phẩm được cung ứng ra thị trường. Riêng tại thành phố Cần Thơ, nguồn cung mới căn hộ đạt khoảng 450 sản phẩm, tăng 100% theo năm. Giá bán sơ cấp bình quân căn hộ từ 39 – 44 triệu/m2, tăng 15 – 25% theo năm đến từ phân khúc căn hộ cao cấp.
"Năm 2024, giá bất động sản ở khu vực Tây Nam Bộ có xu hướng tăng, đặc biệt phân khúc căn hộ có thể tăng từ 5-10%. Nguyên nhân do nguồn cung các dự án tiếp tục khan hiếm trong năm nay", ông Luận cho hay.
Đồng thời nhấn mạnh, trong năm nay bất động sản Tây Nam Bộ giá bán sơ cấp sẽ tăng trong khi giá bán thứ cấp đi ngang và dự báo cũng sẽ tăng nhẹ. Tại thành phố Cần Thơ - đô thị trung tâm của vùng, phân khúc căn hộ, gồm căn hộ nhà ở xã hội và căn hộ cao cấp sẽ trở thành xu hướng an cư và đầu tư mới, được thị trường đón nhận tích cực. Riêng phân khúc đất nền sẽ tăng giá mạnh, bởi quy định không được phân lô bán nền ở các đô thị loại đặc biệt có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Điểm sáng đầu tư nhờ 'đòn bẩy' hạ tầng
Theo các chuyên gia, thời gian gần đây, vùng Tây Nam Bộ được đánh giá cao khi sắp vượt qua trở ngại về hạ tầng giao thông, những điểm nghẽn đang dần được tháo gỡ và kỳ vọng "hút vốn" nhiều hơn.
"Mỗi mục tiêu, kế hoạch đề ra đều có cột mốc cụ thể, 5 năm - 10 năm - 20 năm, đây được gọi là giai đoạn vàng. Thị trường bất động sản Tây Nam Bộ được đánh giá đang nằm ở giai đoạn đầu của thời điểm vàng để đầu tư", ông Dương Quốc Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ, nhận định.
Sự quan tâm đặc biệt đối với các tuyến giao thông được đầu tư mới trong giai đoạn 2023-2025, dự báo sẽ giúp thị trường Tây Nam Bộ cất cánh dễ dàng, nhận thấy tầm quan trọng của thị trường này trong tương lai. Dự án gây tiếng vang phải kể đến là tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ đã thông xe, triển khai dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, là bệ phóng cho thị trường bất động sản nơi đây sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, hàng loạt các dự án chuẩn bị "cán đích" như: cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, có chiều dài gần 111km, theo kế hoạch, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (gồm cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau) dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2024.
Hay dự án cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre đến nay, tất cả 6 gói thầu xây lắp của dự án đã được khởi công, theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận. Trong khi đó, những dự án được khởi công từ tháng 6/2023 như: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cao Lãnh - An Hữu cũng đang được chủ đầu tư là các địa phương đẩy nhanh thi công và đưa vào khai thác năm 2026- 2027...
Theo đó, để gia tăng giá trị bất động sản của khu vực này, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản trên cả nước. Bên cạnh đó, việc đầu tư kết cấu hạ tầng được thúc đẩy nhanh hơn theo đúng kế hoạch; chính quyền các địa phương quyết liệt hỗ trợ các doanh nghiệp giúp họ yên tâm hơn khi đầu tư vào vùng này.