Khối ngoại đang dịch chuyển và kích hoạt dòng vốn tỷ USD vào bất động sản công nghiệp và văn phòng
(DNTO) - Việt Nam đang giữ vị trí "á quân" trong số các thị trường mới nổi được ưu tiên đầu tư, chỉ sau Ấn Độ. Đáng chú ý, "tầm ngắm" của khối ngoại đều tập trung vào bất động sản công nghiệp và văn phòng. Doanh nghiệp cần dồn lực "phủ xanh", thu nhỏ “dấu chân carbon” để không bỏ lỡ cơ hội vàng.
Hai phân khúc tiếp tục 'hút' tỷ USD từ các ông lớn ngoại
Năm 2023 là một năm thị trường bất động sản Việt Nam trải qua nhiều khó khăn, đến giai đoạn nửa cuối năm đã có những dấu hiệu tích cực. Đặc biệt, trong năm 2024 sẽ bứt phá hơn, điểm tựa đến từ việc khối ngoại liên tục rót vốn đầu tư.
Mới đây, tại hội thảo “Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thông tin, với hơn 1,27 tỷ USD trên tổng số hơn 2,36 tỷ USD vốn đầu tư FDI vào Việt Nam (gồm vốn mới đăng ký và vốn tăng thêm), lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục là điểm đến của dòng vốn ngoại ngay trong tháng 1/2024 vừa qua.
Theo kết quả khảo sát "Ý định và kế hoạch của nhà đầu tư tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2024", vừa được Tập đoàn CBRE của Mỹ công bố, cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam đứng thứ 2 trong số những thị trường mới nổi được săn đón nhất về chiến lược đầu tư cơ hội và giá trị gia tăng, chỉ xếp sau Ấn Độ. Đáng chú ý, "tầm ngắm" của khối ngoại đều tập trung vào bất động sản công nghiệp và văn phòng.
“Nền kinh tế vững mạnh và chú trọng vào xuất khẩu của Việt Nam đã thúc đẩy các hoạt động thương mại phát triển, tạo nên nhu cầu mạnh cho việc quản lý chuỗi cung ứng và hậu cần hiệu quả. Các nhà đầu tư nhận ra tiềm năng từ những động lực này nên rất quan tâm đến bất động sản công nghiệp”, báo cáo của CBRE nêu.
Đơn cử, vừa qua, thị trường ghi nhận lượng lớn từ doanh nghiệp nước ngoài vào bất động sản. Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất đồ uống lớn nhất tại Hàn Quốc, Tập đoàn HiteJinro đã đầu tư nhà máy hơn 8,2ha, có giá trị hơn 100 triệu USD tại khu công nghiệp Liên Hà Thái, tỉnh Thái Bình.
Bên cạnh đó, Công ty hữu hạn Tập Đoàn Deli (Deli Group) từ Trung Quốc đầu tư 270 triệu USD, sử dụng diện tích đất khoảng 21,2 ha tại khu công nghiệp Đại An mở rộng tại Hải Dương. Tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc sẽ xây dựng nhà máy sản xuất sợi và vật liệu carbon có tổng vốn đầu tư khoảng 720 triệu USD tại khu công nghiệp Phú Mỹ 2 thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại phân khúc văn phòng, theo ghi nhận của Savills Việt Nam, đến năm 2026, TP.HCM được kỳ vọng sẽ chào đón 300 nghìn m2 văn phòng mới đạt tiêu chuẩn hạng A như dự án The Nexus hay VP Bank Saigon Tower. Hơn nữa, hơn 80% nguồn cung hạng A và hạng B trong tương lai của thành phố sẽ đạt tiêu chuẩn xanh.
Tại Hà Nội, từ nay đến năm 2026, 15 dự án mới sẽ cung cấp hơn 389,7 nghìn m2 diện tích văn phòng. Văn phòng Hạng A dự kiến chiếm 86% nguồn cung trong tương lai. Các dự án tiêu biểu có thể kể đến Grand Terra, Taisei Square Hà Nội, Tiến Bộ Plaza, 27-29 Lý Thái Tổ, và các dự án thuộc khu Starlake. Diện tích văn phòng xanh sẽ chiếm 18% lượng sàn văn phòng tương lai tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, với việc điều chỉnh, công bố và phê duyệt quy hoạch tổng thể tỉnh (giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050), nguồn cung mới đất khu công nghiệp tương lai sẽ không ngừng gia tăng và dự báo sẽ vào khoảng 6.100 ha trong giai đoạn 2024 – 2026, qua đó giải quyết được tình trạng hạn chế về quỹ đất sẵn sàng bàn giao ở khu vực miền Nam.
Trên cơ sở đó, CBRE dự tính trong 3 năm tới, giá thuê đất công nghiệp có thể tăng 5-9% mỗi năm ở miền Bắc và 3-7% mỗi năm ở miền Nam. Giá thuê nhà kho, nhà xưởng xây sẵn cũng có thể tăng nhẹ, ở mức 1-4% mỗi năm.
Doanh nghiệp dồn lực 'phủ xanh', tăng hấp dẫn để đón sóng
Mặc dù vẫn lạc quan với triển vọng thị trường, song các chuyên gia đánh giá, để năm 2024, phân khúc bất động sản công nghiệp và văn phòng thật sự bứt phá, ngoài việc cần có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, các nhà đầu tư phải dồn trọng tâm phát triển khu công nghiệp (KCN) xanh, thông minh với tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, cơ sở vật chất, tiện ích đô thị... để hút dự án xanh.
Rõ ràng, "làm mới" các KCN theo mô hình xanh, thông minh, tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ thân thiện môi trường, tạo ra giá trị gia tăng cao, đang là đích đến của các “ông lớn” bất động sản KCN.
Nhiều khảo sát cũng chỉ ra, khối ngoại thích tìm kiếm mục tiêu lợi nhuận 2 con số. Họ đang chuyển chiến lược ưu tiên sang tài sản có thể tăng giá trị hoặc tài sản đang có vấn đề về nguồn vốn, buộc phải giảm giá.
Theo đó, hơn 60% nhà đầu tư nước ngoài có kế hoạch nâng cấp các tòa nhà đắc địa trong danh mục đầu tư của họ theo tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội và quản trị doanh nghiệp) trong năm 2024. Phần lớn trong số đó là quỹ tư nhân, quỹ bất động sản và quỹ tín thác bất động sản (REITs). Đây cũng là xu hướng nhằm theo đuổi chiến lược gia tăng giá trị tài sản.
Không phải ngẫu nhiên mà Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã "nhắm" KCN xanh VSIP III tại Bình Dương để rót vốn hơn 1 tỷ USD. Mô hình KCN xanh của VSIP sử dụng nguyên liệu sạch, giảm phát thải khí carbon ra môi trường… đáp ứng yêu cầu từ các nhà sản xuất.
Liên minh châu Âu (EU), một trong 4 thị trường xuất khẩu "sừng sỏ" của nước ta cũng đang bắt tau thực hiện Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn, hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030. Thị trường này cũng áp dụng Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) thông qua việc đánh thuế carbon tất cả hàng hóa nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải CO2 tại nước sở tại.
Không chỉ EU, các thị trường Mỹ, Nhật Bản cũng ngày càng nâng chuẩn về môi trường trong sản xuất. Từ yêu cầu của các nhà mua hàng toàn cầu, không bỏ lỡ “cơ hội vàng”, các nhà đầu tư KCN đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo đó, với các dự án đầu tư mới, tiêu chuẩn đầu tư đạt được sẽ là xanh, thông minh, cắt giảm tối đa tiêu hao nguyên, nhiên liệu, giảm tiêu thụ nước, giảm ô nhiễm môi trường. Với các KCN đã đầu tư, đang vận hành, sẽ được các chủ đầu tư chuyển đổi, nâng cấp từng phần để đạt được mức xanh hóa cao nhất.