GDP cao kỷ lục và bản lĩnh chèo lái kinh tế Việt Nam trong 'cơn bão' lạm phát
(DNTO) - Mức tăng 8,83% của GDP Việt Nam trong 9 tháng đầu năm cùng hàng loạt các chỉ số tích cực của nền kinh tế, phần nào cho thấy Việt Nam đang linh hoạt ‘né’ những tác động tiêu cực khi ‘cơn bão’ lạm phát càn quét qua nhiều vùng thế giới.
“Cỗ xe tam mã” ngày càng mạnh mẽ
Bức tranh kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm vừ được công bố, với nhiều con số tích cực đã khiến cộng đồng doanh nghiệp, người dân vô cùng phấn khởi.
Cụ thể, GDP tăng cao nhất của 9 tháng trong hơn thập kỷ qua, đạt mức 8,83%. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở cả 3 lĩnh vực chủ chốt như khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng; khu vực dịch vụ.
Trong 9 tháng, lạm phát Việt Nam được kiểm soát ở mức 2,73%, thuộc nhóm nước có tỷ lệ lạm phát thấp; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng 9,6%, là mức cao trong giai đoạn từ 2014 đến nay…
Đặc biệt, động lực tăng trưởng đến từ “cỗ xe tam mã” với vai trò dẫn dắt của tiêu dùng, đầu tư, xuất nhập khẩu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 5%). Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD). Vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt trên 15,4 tỷ USD (cao nhất trong 5 năm qua), tăng 16,2% so với cùng kỳ.
Ngày 6/9, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s nâng hệ số tín nhiệm quốc gia Việt Nam lên một bậc, từ mức “Triển vọng Tích cực” lên mức “Triển vọng Ổn định”, là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức này nâng tín nhiệm.
Theo đánh giá của Moody’s, Việt Nam ngày càng chống chịu tốt hơn trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng tín nhiệm, thể hiện ở các chính sách ngày càng cải thiện hiệu quả. Xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục được duy trì khi nền kinh tế được hưởng lợi từ việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu, đa dạng hóa xuất khẩu và tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến chế tạo.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, trong thời gian vừa qua, Việt Nam một mặt sử dụng chính sách tài khóa, mặt khác cũng sử dụng cả công cụ chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát nhưng mặt khác vẫn tiếp tục duy trì ổn định kinh tế.
"Tất nhiên, hiện dư địa của chính sách tiền tệ so với chính sách tài khóa hạn hẹp hơn, chính vì vậy vai trò của chính sách tài khóa trở nên rõ ràng hơn ở Việt Nam", ông Cường nói.
Tiếp tục dự báo đúng
Nhận định về bức tranh kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm, chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành cho biết, Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã kịp thời trong việc nhận định đúng tình hình để nền kinh tế tiếp tục mở cửa trong trạng thái bình thường mới.
Bên cạnh đó đã có sự chỉ đạo quyết liệt, đúng hướng, linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài, giúp kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Điều này giúp môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp…tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong 9 tháng năm 2022.
Tuy vậy, chưa bao giờ “cơn bão” lạm phát lại càn quét với tốc độ nhanh và mạnh trên phạm vi rộng lớn như hiện nay. Tại Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới ghi nhận mức lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm, lạm phát tại EU trong tháng 9 qua cũng đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới - tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nước châu Á cũng không nằm ngoài tác động này.
Các dự báo về kinh tế thế giới tại thời điểm tháng 9 năm nay đều thấp hơn so với quý II. Điều này buộc các nước đều đang tăng tốc để ứng phó lạm phát, bằng việc tăng lãi suất để tránh các kịch bản đứt gãy hoặc sụp đổ các nền kinh tế. Tuy nhiên, tác dụng phụ của liều thuốc mạnh này có thể khiến kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, nhu cầu tiêu dùng, sản xuất sụt giảm, thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị thu hẹp và một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay như gỗ, dệt may đang đứng trước khó khăn lớn khi đói đơn hàng.
Để tiếp tục thích ứng linh hoạt, tăng sức chống chịu của nền kinh tế, giữ vững thành quả tăng trưởng, theo Chuyên gia kinh tế TS.Nguyễn Minh Phong cần tập trung khai thác động lực tăng trưởng trong nước và quốc tế, khai thác lợi thế mà Việt Nam đang có là phát triển theo bề rộng, nhưng đồng thời tập trung vào phát triển theo chiều sâu, tức kích thích chuyển đổi số.
"Có một nghịch lý là tỷ lệ người lao động khó khăn trong xin việc làm còn cao, nhưng các ngành công nghệ, kỹ thuật cao lại thiếu lao động trầm trọng. Nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh hơn, cần lực lượng lao động trình độ cao. Vì vậy, quá trình tái đào tạo lao động phổ thông là rất cần thiết trong tình hình mới", ông Phong nói.
Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Minh Phong, Việt Nam cần tiếp tục chủ động trong công tác dự báo, xây dựng kịch bản phù hợp, để tăng tính chủ động, năng lực và hiệu quả của chính sách với thị trường, doanh nghiệp trước những biến động khó lường của thế giới và cả trong nước, liên quan đến thiên tai, dịch bệnh và những dịch chuyển địa chính trị khác.
Đặc biệt, vị chuyên gia này nhấn mạnh đến việc cần phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Bởi hiện nay, đã xuất hiện tình trạng lãnh đạo nhiều cơ quan, địa phương né trách nhiệm, ngại trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ, trong khi tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp chưa được cải thiện. Việc này, theo ông Phong, cần được xử lý rốt ráo hơn để tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp.