Ổn định mặt bằng giá cả - Giải pháp căn cơ để 'dập lửa' lạm phát
(DNTO) - Ngày 28/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký Công điện số 05 gửi các Bộ, ngành yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Ở kỳ điều hành gần nhất, giá xăng dầu giảm hơn 1.000 đồng/lít, về mức thấp nhất từ đầu năm. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 10 lần giảm và 1 lần giữ nguyên. Lần giảm mạnh này đã kéo giá xăng về mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.
Đến thời điểm này, giá dịch vụ vận tải đã giảm do giá xăng dầu giảm. Đa số các hãng taxi (khoảng 59,57% các đơn vị) sau khi kê khai tăng giá đã giảm hoặc kê khai giảm giá (từ 800 - 1.000 đồng/km) tương đương từ 6% - 12%; 42,6% đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng giảm cước khoảng 5,26% -14,7%.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, giá một số hàng hóa thiết yếu vẫn ở mức cao. Theo ghi nhận, tại một số chợ truyền thống, giá cả một số mặt hàng như thịt lợn, rau xanh, thực phẩm tươi sống, đồ khô, dầu ăn… vẫn đang neo ở mức cao.
Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá gần đây, Bộ Tài chính đã đưa ra 2 kịch bản điều hành giá. Ở kịch bản thứ nhất, dự báo CPI bình quân năm 2022 so năm 2021 tăng khoảng 3,37%. Ở kịch bản xấu hơn, CPI ở mức 3,87%. Do đó, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,37 - 3,87%.
Theo đó, để "ghìm cương" lạm phát, không để vượt mốc 4% theo mục tiêu đề ra, góp phần duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, lãi suất, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục vụ tăng trưởng. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung. Sáng nay, 28/9, Bộ Tài chính đã ra công điện khẩn chỉ đạo về việc tiếp tục giữ ổn định mặt bằng giá cả.
Cụ thể, Công điện nêu rõ, trong 9 tháng của năm 2022, việc quản lý, điều hành giá đã được triển khai đồng bộ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2022, lạm phát ở một số nước tiếp tục có xu hướng gia tăng, giá xăng dầu thế giới diễn biến bất thường, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn tăng giá từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giá một số mặt hàng trong nước có hiện tượng tăng cao… do đó quản lý, điều hành giá cần tiếp tục tăng cường để góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan, đơn vị sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Ngoài ra, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá, nhất là diễn biến giá các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Cùng với đó, Bộ Tài chính yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện nắm bắt thị trường giá cả, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả báo cáo giá thị trường trên địa bàn theo đúng quy định; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành để kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cườngquản lý, điều hành, bình ổn giá, căn cứ điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương để xem xét quyết định việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn.
Trong đó nhấn mạnh, Tổng Cục Thuế, Tổng Cục Hải quan, Tổng Cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế, hoàn thuế, chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế; tập trung quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ. Đặc biệt, xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Tài chính để ứng phó kịp thời các tình huống.