Fed khả năng tăng lãi suất 100 điểm cơ bản: Kịch bản nào xấu nhất với chứng khoán?
(DNTO) - Kịch bản xấu nhất của chứng khoán khi không phải việc Fed đưa ra mức lãi suất 1% mà lại rơi vào con số 0,75%, nhưng cùng đó là tín hiệu sẽ siết chặt trong những lần điều chỉnh kế tiếp và tâm lý bi quan tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư.
Chính sách "diều hâu" từ Fed?
Tuần tới là một tuần quan trọng của chứng khoán trong nước nói chung và thị trường trong nước nói riêng. Tất cả đang nín thở chờ quyết định lãi suất từ cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào ngày 20-21/9.
Trạng thái đi xuống của thị trường ngày càng rõ nét thể hiện ở việc kết tuần chỉ còn 1.234 điểm, thanh khoản không có gì nổi bật đang cho thấy sự nghe ngóng chờ đợi của giới đầu tư với quyết định của Chủ tịch Fed, Jerome Powell.
Báo cáo vừa công bố cho thấy, CPI của Mỹ đã tăng 8,3% trong tháng 8 so với cùng kỳ, cao hơn mức dự đoán là 8,1% mà các nhà kinh tế dự đoán. Chỉ số CPI lõi tăng 0,6% từ tháng 7 đến tháng 8, cao gấp đôi so với dự báo của giới phân tích. Đất nước này cũng đang phải đối mặt với tình hình giá nhà tăng cao nhất trong hai thập kỷ qua. Vớt vát lại, chỉ số giá sản xuất (PPI) đang chậm lại khi chỉ tăng 8,7%, giảm so với mức tăng 9,8% trong tháng trước.
FedEx, một công ty dẫn đầu nền kinh tế lớn hơn, cũng cho biết doanh thu hàng quý đã giảm xuống dưới mức kỳ vọng khiến họ phải đóng cửa nhiều văn phòng và bãi đậu máy bay để bù đắp khối lượng hàng hoá vận chuyển giảm trên khắp thế giới.
Một loạt dữ liệu kinh tế hỗn hợp, trong đó báo cáo lạm phát CPI nóng hơn dự kiến, đã củng cố mức tăng lãi suất ít nhất 75 điểm cơ bản khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed vào tuần tới. Con số 1 điểm phần trăm cũng được nhiều nhà phân tích tính tới.
“Đừng thấy ngạc nhiên nếu Fed phải chọn 100 bps. Ý kiến lạm phát đã đạt đỉnh không còn chỗ đứng và khả năng nền kinh tế hạ cánh mềm cũng giảm đi", bà Nisha Patel, Giám đốc Đầu tư chứng khoán thu nhập cố định tại Parametric cho biết.
Tin tức không mấy tích cực đã đẩy thị trường chứng khoán đi xuống. Chỉ số Công nghiệp Dow Jones, một chỉ số được nhiều nhà đầu tư trong nước quan tâm bởi có sự tác động không nhỏ đến thị trường trong nước, giảm 139,40 điểm trong phiên đóng tuần, tương đương giảm 0,5%, xuống còn 30.822 điểm.
Kịch bản xấu cho chứng khoán trong nước?
Cũng trong trạng thái chờ đợi với chứng khoán thế giới, chứng khoán trong nước cũng thể hiện rõ sự lo lắng của nhà đầu tư trong nước, thị trường có gần 90% giao dịch đến từ nhà đầu tư cá nhân.
Phát biểu trong một talkshow về chứng khoán ngày 16/7, theo ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc khối phân tích Chứng khoán KBSV cho biết, hành động của Fed đang mang tính ném đá dò đường nhiều hơn và sẽ chưa thực sự mạnh tay và quyết liệt, tuy nhiên ông thiên về tính tích cực hơn tiêu cực.
Nói về tác động của thị trường trước các chính sách của Fed, ông Bình đưa ra hai kịch bản.
Trường hợp Fed tăng 1 điểm phần trăm, kịch bản VN-Index sẽ chạm đáy 1.200 hoặc xuống một chút trước khi hồi phục. Thông thường, kỳ vọng nhà đầu tư sẽ được phản ánh vào giá, tuy nhiên mức giá này sẽ được hấp thụ rất nhanh và thị trường sẽ nhanh chóng quay lại bình thường và mang lại cơ hội cho thị trường phục hồi sớm
Trường hợp Fed tăng 0,75 phần trăm, tuy nhiên kèm theo đó là tâm lý bi quan và đặt ra nghi vấn cho việc tăng lãi suất ở các kỳ tiếp theo, "đây mới là kịch bản xấu nhất, tác động mạnh đến nhà đầu tư. Khả năng Dow Jones sẽ phá 30.700 điểm và VN-Index sẽ xuyên thủng đáy hồi cuối tháng 6", ông Bình chia sẻ.
Mặc dù vậy đây chỉ là kịch bản, điểm then chốt là nhà đầu tư nên tham khảo chỉ số Dow Jones. Chỉ số này rất "nhạy cảm", nếu chỉ số tiếp tục giảm nữa sẽ xác nhận khả năng phá đáy hồi cuối tháng 6 đầu tháng 7, một dấu hiệu tiêu cực với thị trường. Ngược lại, ở kịch bản tốt Dow Jones giữ được vùng hỗ trợ 30.700 điểm, là một mốc cần theo dõi.
Hiện nhiều chỉ số vĩ mô trong nước đã được dự đoán khá tích cực, tuy nhiên thị trường trong nước và các yếu tố vĩ mô gần như không có sự tương quan. GPD quý 3 năm nay trên nền cùng kỳ năm 2021 là thấp nên việc tăng cao là dễ đoán. "Nếu GDP tăng tích cực có nhà đầu tư mua chứng khoán không? Theo tôi hỏi 10 người sẽ có 9 người không mua vì chỉ số này rộng và yếu tố mùa vụ", ông Bình cho biết.
Theo quan điểm của ông, thời điểm hiện nay, nhà đầu tư nên có chiến lược tỷ trọng 30-40% cổ phiếu, ưu tiên cho đầu tư ngắn hạn hơn trung hạn bởi "Nếu xu hướng trung hạn có tỷ lệ 3-7, tức 3 phần thắng, 7 phần thua, thì trong ngắn hạn, tỷ lệ này đang là 5-5".
Ngoài ra, nhà đầu tư còn cần chiến lược gối đầu để hạn chế rủi ro, ví như mua 40% tỷ trọng nắm giữ không có nghĩa mua vứt đấy và quan sát, mà cần hành động tương ứng với kịch bản thị trường.