Dư địa tín dụng đến hết 2023 còn thừa 735.000 tỷ đồng, NHNN chỉ ra 2 ngành hút vốn nhất
(DNTO) - Ngân hàng Nhà nước vừa thông tin, dư địa tín dụng còn lại từ nay đến hết năm là rất lớn, còn dư gần 6,2%, tương đương với 735.000 tỷ đồng để chờ người vay. Trong đó, tín dụng cho nông nghiệp và bất động sản đang là 2 lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tín dụng hiện nay.
Thông tin tại cuộc họp giữa Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái với Thống đốc, các Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và nhiều ngân hàng thương mại về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023, ngày 30/11, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tính đến 23/11, dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12/2022, đạt 56% mức NHNN đã giao cho các tổ chức tín dụng (TCTD).
Theo báo cáo của NHNN, tín dụng lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là tín dụng nông nghiệp, nông thôn và tín dụng bất động sản đang là hai lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tín dụng hiện nay. Cụ thể, tín dụng cho nông thôn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt dư nợ cho vay trên 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 24,52% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 6,33% so với cuối năm 2022; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 2,34 triệu tỷ đồng, chiếm 18,34%, tăng 7,46%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt khoảng 322.000 tỷ đồng, chiếm 2,53%, tăng 11,61%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt trên 350.000 tỷ đồng, chiếm 2,75%, tăng 18,54%; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 45,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,36%, tăng gần 18%.
Riêng tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,04%, chiếm 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế. Tín dụng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,53%, chiếm 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế.
"Dư địa còn lại từ nay đến hết năm của toàn hệ thống để các TCTD mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn khoảng gần 6,2%, tương đương khoảng 735.000 tỷ đồng", NHNN cho hay.
Đại diện các ngân hàng TPBank, VPBank, MB, Sacombank, Techcombank… cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra trong năm nay 14,5%, cao hơn trước. Trong bối cảnh khó khăn chung, cầu tín dụng suy giảm, dù NHNN điều hành khá hợp lý, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ sâu, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, chủ động tìm kiếm khách hàng… nhưng việc giải ngân vẫn gặp khó khăn tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao.
Vốn hiện các ngân hàng không thiếu nhưng để bơm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
"Chúng tôi luôn sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế, "thích cho vay" bởi không cho vay được là "thất nghiệp". Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tất cả các phân khúc khách hàng đều bị ảnh hưởng nên giải ngân tín dụng là "bài toán khó", đại diện nhà băng nói.
Thực tế cho thấy, khi thị trường nước ngoài giảm sút, tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng, co cụm lại, không những không vay vốn mà khi bán được hàng tồn kho họ còn trả lại tiền cho ngân hàng. Những người có khả năng vay và trả thì không có nhu cầu, bởi nếu vay vốn sản xuất mà để tồn kho thì rất nguy hiểm. Chính vì vậy đối với những khách hàng tốt, các ngân hàng thương mại "tranh nhau để cho vay", nhưng cũng có những nhóm khách hàng cần phải thận trọng để để phòng ngừa rủi ro.
"Để giải ngân tín dụng cần có giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp để nâng cao khả năng hấp thụ vốn, giống như việc "không thể vỗ tay bằng một bàn tay", các nhà băng trần tình.
Do đó, để khơi thông "mạch máu" tín dụng, các ngân hàng đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp tổng thể hơn, nhất là giải quyết những vướng mắc pháp lý liên quan tới các dự án bất động sản; triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước nhất là trong dịp tết nguyên đán sắp tới; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư,…
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng chia sẻ, thời gian qua, NHNN đã rất chủ động, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, nên đưa ra room tín dụng rất thận trọng. Hiện nền kinh tế đang rất khó khăn, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bản thân ngân hàng cũng muốn tìm doanh nghiệp tốt, nhưng không thể cho vay vì không đủ điều kiện. NHNN cũng đã tổ chức 9 cuộc kết nối ngân hàng doanh nghiệp theo từng khu vực, phần lớn những doanh nghiệp không tiếp cận được là do không đủ điều kiện và cũng tuỳ vào "khẩu vị" rủi ro của từng ngân hàng.
Ông Hùng cũng chỉ rõ, trong lĩnh vực bất động sản, hiện hơn 70% là vướng mắc pháp lý, chính vì vậy, nếu xử lý được vấn đề này thì dòng vốn tín dụng sẽ nhanh chóng được khơi thông.
“Không thể nào một mình ngành ngân hàng tháo gỡ được các vấn đề được đặt ra. Mong muốn các bộ ngành có sự chuyển động, đồng bộ với ngành ngân hàng trong thời gian tới để có thể thúc đẩy vốn vào nền kinh tế,” ông Hùng cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, đến thời điểm hiện tại tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,4%, thấp hơn so với kế hoạch đặt ra là phấn đấu tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống năm 2023 khoảng 14%.
Nhấn mạnh "tín dụng phải là một dòng chảy liên tục", Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN nghiên cứu các ý kiến của ngân hàng thương mại để phát huy những ưu điểm, khắc phục những vấn đề còn tồn tại để điều hành tín dụng tốt hơn trong thời gian tới.
"NHNN cần phải bám sát tình hình thực tế của nền kinh tế và nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, rà soát, "xem lại" các quy định để điều chỉnh, nhằm điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt hơn nữa", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.