Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận khoản vay giảm còn 17,8%, ngân hàng kiến nghị mở rộng hình thức bao thanh toán
(DNTO) - Để tạo điều kiện hấp thụ tín dụng gần hơn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đang hướng tới kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung luật, trong đó mở rộng hình thức bao thanh toán, là một trong những nội dung "thoáng" nhất tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong điều kiện "trắng tay" cũng được bơm vốn.
Ngân hàng không thể bơm vốn khi doanh nghiệp "trắng tay"
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp trong nước còn đối mặt với nhiều hàng rào trong việc tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn từ các ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng, dẫn đến việc doanh nghiệp chưa phát huy được hết năng lực để tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.
Đặc biệt, ở Việt Nam, tỷ trọng cho vay không dựa trên bất động sản còn rất khiêm tốn so với các thị trường thế giới, chỉ dao động ở mức từ 25 – 30%, trong khi hơn 70% các khoản vay còn lại phải dựa trên cam kết bảo đảm bằng bất động sản. Trong khi đó, doanh nghiệp với điều kiện quản trị, điều kiện quản lý dòng tiền, hệ thống tài chính, công nghệ còn rất hạn chế thì việc chứng minh những điều kiện đó càng khó khăn gấp bội.
"Tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp còn đang bị định giá rẻ hơn trong bối cảnh dịch bệnh. Nếu như trước kia, doanh nghiệp vay vốn có thể được đối ứng 30 - 70 với ngân hàng, nghĩa là doanh nghiệp có tài sản đảm bảo đối ứng giá trị 30% khoản vay thì ngân hàng cho vay 70%, nhưng bây giờ khoản đối ứng đã lên 50 - 50, thậm chí xuống 70 - 30", TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, cho hay.
Thiếu nguồn vốn khiến doanh nghiệp khó có thể đầu tư bài bản, chuyển đổi công nghệ sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu cũng như xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị và gia tăng giá trị xuất khẩu. Do đó, họ chủ yếu làm các sản phẩm gia công theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu, giá trị gia tăng thấp...
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho hay, xuất nhập khẩu là 1 trong 5 lĩnh vực ngân hàng phải dành nguồn lực ưu tiên. Trong đó đối với những doanh nghiệp sản xuất để xuất khẩu sang những khu vực FTA là một trong những đối tượng được ngân hàng cho vay ưu đãi với lãi suất hiện nay thấp nhất là 4%.
Tuy nhiên, dẫn các báo cáo tình hình tiếp cận ngân hàng của các tổ chức đã công bố, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, tình hình tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp ngày càng giảm. Nếu như năm 2017 tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay từ ngân hàng và tổ chức tín dụng là 49,4% thì năm 2018 và 2019 con số này đã giảm xuống 45% và 43%. Đến năm 2020 chỉ còn 42,9%. Và giảm trầm trọng vào các năm 2021 với 35,4% và năm 2022 chỉ còn 17,8%
Phân tích nguyên nhân doanh nghiệp hiện không thể tiếp cận nguồn vốn, Tổng Thư ký VNBA cho rằng, mặc dù ngân hàng có lượng thanh khoản rất dồi dào nhưng vẫn phải cho vay theo một nguyên tắc “phải bảo đảm đúng quy định”, không thể hạ chuẩn để cho vay. Có thể chia sẻ, tháo gỡ khó khăn nhưng không thể hạ chuẩn mọi điều kiện. Nguyên tắc, thủ tục cho vay phải đáp ứng thì doanh nghiệp mới được bơm vốn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã phải dồn hết lực, bán hết tài sản để duy trì sản xuất dẫn tới cạn kiệt về nguồn lực. Chưa kể, khi vừa mới khởi sắc trở lại sau dịch thì kinh tế toàn cầu lại khó khăn, đơn hàng không có...
“Dù nằm trong đối tượng ưu tiên nhưng rõ ràng ngân hàng không thể tiếp tục bơm vốn trong điều kiện doanh nghiệp không còn một nguồn lực gì nữa, tài sản thì hết, nợ thì cơ cấu lại, điều chỉnh kỳ hạn nợ, miễn giảm lãi rồi, không còn nguồn nào nữa...”, Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng nói.
Ngân hàng 'xắn tay' mở cánh cửa tín dụng cho doanh nghiệp
Nhấn mạnh vốn quyết định 45 - 50% sự thành công của doanh nghiệp, “rõ ràng kể cả trong điều kiện kinh doanh tốt hay khi có những bất ổn của thị trường thì câu chuyện tín dụng vẫn luôn là vị trí quan trọng nhất, bởi vì nó là “dòng máu” bơm vào để duy trì sản xuất.
“Do tính chất các nguồn vốn huy động của ngân hàng là kỳ hạn ngắn nên nguồn vốn cho vay chủ yếu là vay bổ sung, không thể "dài hơi". Còn đối với vốn trung, dài hạn, các tổ chức tín dụng căn cứ vào khả năng, điều kiện để cho vay nhưng tối đa không quá 30% tổng nguồn vốn huy động ngắn hạn".
Theo đó, để tạo điều kiện hấp thụ tín dụng gần hơn cho doanh nghiệp, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết: "Ngành ngân hàng đang hướng tới kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung luật, trong đó mở rộng hình thức bao thanh toán, là một trong những nội dung "thoáng" nhất tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có đủ năng lực sản xuất kinh doanh nhưng thiếu về mặt nguồn vốn có thể tiếp cận được không chỉ vốn tín dụng mà còn các dòng vốn của các nước, của các tổ chức quốc tế cũng như các doanh nghiệp khác".
Nêu thực trạng cụ thể, đại diện các ngân hàng thương mại cho biết, khi triển khai dịch vụ này đã gặp nhiều khó khăn vì chưa có hướng dẫn nào về đảm bảo rủi ro tín dụng và nghiệp vụ bảo lãnh phức tạp đòi hỏi nhiều yếu tố. Do đó, cần đồng bộ quy định về bao thanh toán theo thông lệ quốc tế; dịch vụ bao thanh toán cần được đơn giản hóa các quy trình và thủ tục; đồng thời cân nhắc thay đổi quy định của Thông tư 02 về đồng tiền chiết khấu để giải quyết những khó khăn cho khách hàng cũng như để các ngân hàng cung cấp tốt hơn các dịch vụ bao thanh toán.
Đặc biệt, hành lang pháp lý của Việt Nam có thể bổ sung quy định liên quan đến vấn đề số hóa các giao dịch về hoạt động bao thanh toán và chiết khấu.
“Với đà tăng trưởng như hiện tại, nếu được Ngân hàng Nhà nước ủng hộ, các ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận và cung cấp dịch vụ cho tệp khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, từ góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ tiếp cận dễ dàng với vốn vay không yêu cầu tài sản bảo đảm, thủ tục thẩm định đơn giản, vận hành giải ngân và hồ sơ giao dịch nhanh chóng trên nền tảng tự động và số hóa”, đại diện Vietcombank đề xuất.
Còn theo kiến nghị của lãnh đạo ngân hàng Techcombank, nên cho phép hình thức tài trợ miễn truy đòi và không tính vào cho vay hay cấp tín dụng đối với doanh nghiêp.
"Cho phép khách hàng chỉ cần "show" ra phương án kinh doanh, phương án sử dụng vốn 1 lần khi cấp hạn mức tín dụng và được sử dụng tiền ứng trước bao thanh toán cho các mục đích hợp pháp, không giới hạn trong phạm vi phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, cần hướng dẫn xác định tình trạng cầm cố, thế chấp của khoản phải thu trong trường hợp khách hàng ký kết các hợp đồng thế chấp khung các khoản phải thu hình thành trong tương lai", đại diện Techcomban bày tỏ.