Dự án tuyến cáp khổng lồ dưới biển mới của Google
(DNTO) - Google đang triển khai thêm một dự án tuyến cáp internet dưới biển khổng lồ, trải dài từ Bờ Đông nước Mỹ xuyên Brazil và Uruguay đến tận Argentina.
Google vừa thông báo về kế hoạch đặt một tuyến cáp quang khổng lồ dưới biển chạy từ Hoa Kỳ đến gần như tận cùng Nam Mỹ. Tuyến cáp "Firmina" – đặt theo tên tác giả người Brazil, Maria Firmina dos Reis – này sẽ chạy từ Bờ Đông của nước Mỹ đến thị trấn Las Toninas ở Argentina, với các điểm dừng dọc đường là Brazil và Uruguay.
Mục tiêu của công trình này là cung cấp cho người dùng Google ở Nam Mỹ sự cải thiện tối ưu quyền truy cập có độ trễ thấp vào danh mục các dịch vụ đám mây. Cáp sẽ do SubCom thiết kế, lắp đặt và sẽ sẵn sàng đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023.
Cáp mới không chỉ bổ sung thêm dung lượng mà còn tăng khả năng phục hồi cho mạng hiện có của Google. Cụ thể, một kỳ công kỹ thuật khiến loại cáp mới này, bao gồm 12 cặp sợi quang với đặc tính nổi bật là khả năng cấp nguồn của hệ thống cho cáp từ điện một đầu, tức chỉ chạy trên một nguồn điện duy nhất. Vì vậy, nếu mất điện ở một đầu nó sẽ không tắt, như thế đây sẽ là cáp dài nhất thế giới có khả năng chạy bằng nguồn điện đơn.
Google giải thích, với cáp ngầm, dữ liệu truyền đi dưới dạng xung ánh sáng bên trong các sợi quang của cáp. Tín hiệu ánh sáng đó được khuếch đại sau mỗi 100 km với một dòng điện cao áp được cung cấp tại từng trạm nguồn ở mỗi quốc gia. Để đạt được điều này, cáp Firmina được cung cấp bởi một loại cáp có điện áp cao hơn 20% so với các loại cáp trước đây.
Trong tuyên bố của hãng, Google không cho biết chính xác thời điểm khi nào nó sẽ được bắt đầu lắp đặt hoặc Firmina sẽ tồn tại trong bao lâu. Đại gia công cụ tìm kiếm này đã từng thực hiện hàng nghìn dặm cáp quang dưới biển trên toàn thế giới. Trong tương lai công ty sẽ phối hợp cùng với ông lớn Facebook để tài trợ 2 tuyến cáp mới nữa chạy từ duyên hải phía Đông nước Mỹ đến Singapore và Indonesia. Hồi tháng 7 năm ngoái, Google cũng đã khởi công đặt một tuyến cáp dưới biển kết nối New York với Vương quốc Anh và Tây Ban Nha.