Doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng phục hồi từ chính sách khơi lại nguồn cung cho thị trường bất động sản
(DNTO) - Hàng loạt dự án bất động sản "trùm mền", khiến nhà thầu xây dựng chưa hết cảnh điêu đứng, càng làm càng lỗ. Việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại với đất không phải là đất ở, được kỳ vọng là "sợi dây chính sách" giúp khơi thông pháp lý, tăng nguồn cung cho thị trường, để doanh nghiệp sớm phục hồi.
Biên lợi nhuận của doanh nghiệp 'đóng băng' theo dự án
Khảo sát từ Tổng cục Thống kê về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng trong quý 1/2024, cho thấy, 38,9% doanh nghiệp xây dựng dự báo sẽ còn khó khăn hơn, 40,9% nhận định giữ ổn định và chỉ 20,2% dự báo thuận lợi hơn. Có hai yếu tố thường ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động của doanh nghiệp xây dựng là không có hợp đồng xây dựng mới và giá nguyên vật liệu tăng cao. Xét về lượng hợp đồng mới, chỉ khoảng 19,8% doanh nghiệp cho rằng sẽ tăng; 49,9% nhận xét khó có thay đổi và đến 30,3% dự báo số hợp đồng mới sẽ giảm.
Chia sẻ tại Hội nghị Ban chấp hành mở rộng Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), ngày 21/3 vừa qua, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, trong nhiều năm qua, nhà thầu xây dựng liên tục gặp khó, biên lợi nhuận chỉ 2% thậm chí càng làm càng lỗ, do sự "đóng băng" của các dự án bất động sản, bế tắc về pháp lý, khiến các doanh nghiệp không có đơn hàng.
Chủ tịch VACC nhấn mạnh: Nhắc tới những dự án “treo”, không thể không nhắc tới con số hơn 700 dự án ngoài ngân sách chậm triển khai ở Hà Nội, thậm chí là những dự án "treo bền vững" hàng thập kỷ qua. Kinh tế phát triển chưa như mong muốn, tiền vẫn nằm trong ngân hàng, không giải ngân được. Các doanh nghiệp đang khó khăn trong xoay sở nguồn vốn, trong khi ngân hàng lại thừa tiền, chủ yếu do lượng cung tiền cho các dự án bất động sản giảm đi rất nhiều.
"Chúng ta đang triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội (10 năm), đến giờ là năm thứ tư nhưng mới chỉ có 1% con số đó được đưa vào khai thác, còn lại vẫn nằm trên giấy (mới được phê duyệt hoặc đang chờ xem xét, phê duyệt). Như vậy, trong 2024, số dự án được triển khai vẫn hạn chế nên vấn đề công ăn việc làm cho nhà thầu xây dựng vẫn còn nan giải", ông Hiệp nhận định.
Về vốn đầu tư công cũng còn nhiều bất cập. Ví như một công trình công sau khi đấu thầu xong, nếu không giải phóng được mặt bằng, sau khi trúng thầu, doanh nghiệp được tạm ứng 10% để nhà thầu mua vật tư, chuẩn bị thi công… nhưng mua xong, sau 3 tháng vẫn không có mặt bằng, không triển khai được, thì theo quy định, phải nộp lại tiền cho ngân sách, nếu không nộp là nhà thầu vi phạm Luật Ngân sách, dù nguyên nhân không phải do nhà thầu…
"Doanh nghiệp xây dựng có thể phải mất thêm hai quý nữa, gần nhất là giữa năm 2024 mới có thể phục hồi hoạt động bởi những khó khăn chung của thị trường bất động sản, trong khi các dự án hạ tầng đầu tư công đòi hỏi chặng đường dài hơi", Chủ tịch VACC nói.
'Khơi lại nguồn cung cho thị trường, nhà thầu mới có việc'
Thực trạng hiện nay, bắt buộc phải tăng cung đầu tư, phải có nhiều dự án thì ngân hàng mới tăng giải ngân được. Vẫn nhiều thách thức với nhà thầu xây dựng trong năm 2024, chưa qua giai đoạn “bi đát”, song các chuyên gia cho rằng, vẫn có tín hiệu cho những cơ hội và tiềm năng.
Đầu tiên là các Luật mới đã được thông qua như: Luật Nhà ở, Luật kinh doanh Bất động sản, Luật Đầu tư, Luật đất đai, hướng dẫn Luật Đấu thầu... sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc cho các dự án bất động sản. Tiếp đó là ngành Xây dựng Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch sang xây dựng công trình ngầm trong 5-10 năm tới. Đầu tư công đón nguồn ngân sách trong năm 2024 lên đến 220 ngàn tỷ và vẫn có sẵn 500 ngàn tỷ trong kế hoạch đang giải ngân thực hiện.
Đặc biệt, Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về thí điểm thực hiện "dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận cho phép nhà đầu tư được nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở và đất khác hoặc đất khác không phải là đất ở”. Dự kiến thời gian thí điểm là 5 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2025, điều này sẽ tháo gỡ được vướng mắc đối với các trường hợp nhà đầu tư “đang có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở” phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã có văn bản bày tỏ sự cần thiết phải xây dựng đề án thực hiện nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất không phải là đất ở. Theo HoREA, việc xây dựng đề án đã cụ thể hóa tinh thần nghị quyết 18, trong đó xác định nhiệm vụ tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại. Đây là quy định rất cần thiết, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, khắc phục và tháo gỡ các vướng mắc của nhiều dự án hiện nay...