Gỡ vướng gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ: Vấn đề mấu chốt phải cho cầu tiếp cận được nguồn cung
(DNTO) - Đọc tên vướng mắc trong gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, vấn đề mấu chốt nằm ở việc cần tạo điều kiện cho "cầu tiếp cận được nguồn cung". Trên cơ sở đó giảm giá khách quan của thị trường trên quan hệ cung-cầu, cũng như với các dự án, tập đoàn đẩy giá, lũng đoạn và đầu cơ bất động sản.
Khả năng đáp ứng của chủ đầu tư vẫn là rào cản
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng. Về phía doanh nghiệp, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, mới có 1 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn với số tiền là 125,84 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chưa có cá nhân nào vay được tiền từ gói 120.000 tỷ đồng này. Trong khi đó, theo chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM, người thu nhập thấp trên địa bàn Thành phố có thể vay mua, thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất 4,7-4,8%/năm.
Chia sẻ tại "Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân", ngày 12/3, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội như: rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), trần tình, tại một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM các dự án nhà ở xã hội rất ít, trong khi quá trình thực hiện lại quá dài. Do đó, để có thể giải ngân nhanh nguồn vốn 120.000 tỷ đồng thì các địa phương giao đất sạch cho dự án thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội để doanh nghiệp thực hiện đầu tư, từ đó giải ngân vốn mới nhanh.
"Hiện thủ tục vay vốn tại các ngân hàng thương mại rất lâu, vì phải trải qua quá trình thẩm định hiệu quả của dự án. Do đó, tôi cho rằng, nên bỏ qua quá trình này bởi đã là phát triển nhà ở xã hội thì dự án có hiệu quả, quy định rất rõ chủ đầu tư được 10% lợi nhuận trên tổng chi phí của dự án", ông Nguyễn Tuấn Anh đề xuất.
Nhìn nhận một cách thực tế hơn, đại diện Công ty cổ phần Đức Mạnh tại Đà Nẵng chỉ rõ thực trạng có cung thì mới có cầu, các thủ tục hành chính để xây và mua nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc. Lãi suất cho vay của gói 120.000 tỷ đồng còn cao. Bởi, hiện mức lãi suất cho vay bình thường từ 8-9%, nhưng lãi suất của gói vay 120.000 tỷ đồng từ 7-8,2%. Mức lãi suất này chênh lệch không lớn với mức lãi suất thông thường do đó ngân hàng xem xét giảm mức suất xuống thấp hơn nữa để doanh nghiệp mặn mà với việc vay vốn.
Trong khi đó, đại diện các ngân hàng thương mại đại diện các ngân hàng BIDV, Agribank, Vietinbank cho biết: Khó khăn trong giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội…
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay, ngân hàng này rất muốn cho vay, luôn tìm kiếm và tiếp cận khách hàng để có thể giải ngân. Với riêng gói 120.000 tỷ đồng, ngay khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chỉ đạo, BIDV đã triển khai đến toàn chi nhánh nhưng còn nhiều thủ tục vấn đề cần giải quyết nên đến nay mới tiến cập 8 dự án, phê duyệt 4 dự án và giải ngân hơn 96 tỷ đồng.
Song, ông Lâm khẳng định, không phải tất cả doanh nghiệp tiếp cận có nhu cầu vay vốn tại thời điểm này, khi ngân hàng đến tiếp cận, có đến 1/2 chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để có thể triển khai dự án, hoặc có trường hợp bắt đầu triển khai dự án nhưng đang sử dụng vốn tự có.
"Để triển khai đẩy nhanh tiến độ giải ngân, BIDV thấy rằng những điều kiện về pháp lý cần có thời gian để tiếp tục giải quyết, như các khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng, cần có các điều kiện để chuyển nhượng hoặc toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản," ông Phương nêu giải pháp.
Phải tạo điều kiện cho "cầu tiếp cận được nguồn cung"
Nêu quan điểm cho vay, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, phải giải ngân đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. "Do đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội vì vậy có thể kéo dài một vài năm cho nên không giải ngân thật gấp, thật nhanh. Nhưng những dự án đủ điều kiện thì phải được giải ngân ngay”, ông Tú cho hay.
Chỉ rõ nguyên nhân khiến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng bị "ế, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, hiện tổng cộng gói vay này có quy mô 125.000 tỷ đồng với lãi suất giảm 1,5 - 2 %, tùy đối tượng tham gia. Giảm 1,5% áp dụng cho nhà đầu tư kinh doanh và 2% dành cho người mua nhà. Như vậy, thì ngay đầu xây dựng đã được giảm 1,5 % và đầu mua nhà được giảm 2%, tổng thể giảm 3,5%.
“Thời gian qua, một số tập đoàn lớn phản hồi không tiếp cận được gói 120.000 tỷ, bởi lẽ họ không chọn đúng "địa chỉ", gói tín dụng này là chỉ có ở 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Gần đây có thêm TienphongBank tham gia với gói 5.000 tỷ đồng”, Phó Thống đốc cho hay.
Nhấn mạnh, lĩnh vực bất động sản "luôn đi cùng" với ngành ngân hàng và liên quan tới hàng loạt lĩnh vực khác như sản xuất, vật tư, vật liệu xây dựng... Phó Thống đốc cho rằng, ngành ngân hàng sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro trong đó có ngành bất động sản.
Lưu ý với các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc khắc phục "nghịch lý" thừa phân khúc cấp cao, thiếu sản phẩm dành cho người thu nhập trung bình và thấp, giải quyết tình trạng "thổi giá", "đẩy giá"…, để chặn tình trạng thị trường khó tiêu thụ sản phẩm, không luân chuyển được dòng vốn, khó thu hồi nợ.
"Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được hơn 500 tỷ đồng dù lãi suất đã giảm 0,7%, vấn đề mấu chốt ở đây phải tạo điều kiện cho "cầu tiếp cận được nguồn cung" và đẩy mạnh nguồn cung. Trên cơ sở đó giảm giá khách quan của thị trường trên quan hệ cung - cầu cũng như xoá sổ các dự án, tập đoàn đẩy giá, lũng đoạn và đầu cơ bất động sản", Phó thống đốc nhìn nhận.