Doanh nghiệp vẫn lo bể kèo khi hợp tác với người nông dân

(DNTO) - Thái độ người nông dân chưa chuyên nghiệp khi hợp tác, các hợp tác xã thiếu công nghệ cao để tăng sản lượng theo yêu cầu, ngân hàng chưa hỗ trợ vay vốn... là những nguyên nhân khiến mối quan hệ doanh nghiệp và người nông dân còn chưa bền vững.

Số lượng hợp tác xã đủ điều kiện trở thành đầu mối cho doanh nghiệp vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ảnh: T.L.
Mối quan hệ còn mờ nhạt
Là một trong những tập đoàn xuất khẩu gạo lớn tại Việt Nam, nhiều năm qua, Lộc Trời chủ động liên kết với bà con nông dân để tạo chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Dần dần, tập đoàn này khuyến khích bà con tự liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình liên kết nảy sinh nhiều vấn đề như về thuế, pháp lý, hợp đồng...
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời thừa nhận, tập đoàn xác định liên kết vớii bà con nông dân theo phương thức “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, nhưng vẫn khó khăn trong chính mối liên kết này. Do đó, tình trạng bể kèo trong mối quan hệ doanh nghiệp và nông dân trên thị trường là không ít.
“Thái độ của người dân trong liên kết ngang nói chung chưa tốt, chưa kể còn một số nơi cạnh tranh không lành mạnh. Nếu không có tổ chức hợp tác xã đủ lớn, doanh nghiệp không thể liên kết hiệu quả”, ông Thòn nói trong Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024, sáng 11/4.
Ông Mai Văn Khẩn, Giám đốc HTX Tân Tiến (Lâm Đồng) thừa nhận nhận thức của các thành viên hợp tác xã về chuỗi liên kết còn hạn chế khiến các HTX cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. “Khi giá thị trường tăng, họ vẫn còn tâm lý so sánh giá bán hàng ra ngoài nên tình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ còn nhiều”, vị này nói.
Một yếu tố khiến mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và nông dân còn lỏng lèo là thiếu vốn. Ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Vĩnh Cường (Bạc Liêu) cho biết, trong chuỗi liên kết hiện nay đang có 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà nông nghiệp và nhà khoa học, nhưng cần bổ sung thêm nhà băng. Bởi bà con khi thu hoạch xong cần được chi trả ngay (trong vòng 7 ngày), nhưng các hợp tác xã đôi khi thiếu vốn nên thường chậm trễ trong việc chi trả.
“Đầu vào rất tốt nhưng tiền trả cho bà con hơi chậm một chút. Vì vậy, ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã khi tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp”, ông Cường kiến nghị.
Bên cạnh đó, trình độ khoa học công nghệ trong nông nghiệp của Việt Nam còn thấp và chậm phát triển. Ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thừa nhận so với thế giới vẫn còn cách khá xa và phần lớn vẫn chưa thể tiếp cận được nền nông nghiệp 4.0.
Đến hết năm 2021, chỉ có 1,718 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 1,5%, đến hiện nay, con số này mới chỉ nâng lên là 9,37%. Đây là con số rất thấp.
Không ứng dụng công nghệ cao là một trong những nguyên nhân khiến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam không đạt được sản lượng như kỳ vọng, mặc dù tiềm năng là rất lớn. Đây cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó có thể hợp tác.
“Thực tế là rất nhiều doanh nghiệp không tìm được hợp tác xã nông nghiệp đủ mạnh, hoạt động có hiệu quả để đứng ra làm đầu mối, nên phải hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân. Điều này làm gia tăng chi phí và rủi ro trong hoạt động”, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết.
Để thoát cảnh “được mùa, mất giá”

Công nghệ đang được ứng dụng trong sản xuất nhưng vẫn còn rất chậm. Ảnh: T.L.
Tại Hà Lan, một nơi chỉ có 17 triệu người nhưng xuất khẩu nông sản lớn nhất châu Âu và thứ 2 thế giới. Nước này đã có 150 năm phát triển hợp tác xã, chiếm 86% trong nông nghiệp, thậm chí có những công ty nằm trong hợp tác xã.
Ngoài việc cho phép nhiều loại hình pháp nhân khác nhau trong phát triển hợp tác xã, bà Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc Agriterra Việt Nam, cho biết, các hợp tác xã ở Hà Lan luôn đổi mới sáng tạo và đa dạng hoá sản phẩm. Nhờ công nghệ mà các hợp tác xã có thể cạnh tranh với thị trường, với các nhà bán lẻ và siêu thị.
Điển như như FrieslandCampina là một hợp tác xã sữa đa quốc gia của Hà Lan và cũng là hợp tác xã sữa lớn nhất thế giới. Hành trình vươn lên Top 5 công ty sữa có doanh thu 14 tỷ Euro (năm 2022) của FrieslandCampina là quá trình đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, năng suất. Hiện hãng này có 120.000 loại sản phẩm.
Vị chuyên gia cho biết, nông nghiệp hiện nay liên tục thay đổi bởi thị trường yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, khách hàng tập trung vào sản phẩm hữu cơ, bổ dưỡng, có độ an toàn cao, mẫu mã đẹp. Vì vậy, nếu các hợp tác xã chỉ tập trung vào sản xuất sẽ không khả thi vì tạo ra giá trị thặng dư không lớn, không phải là hướng đi lâu dài. Cần tập trung đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường hoặc mở rộng thị trường). Đồng thời, việc này cũng giúp phát triển thương hiệu sản phẩm dễ hơn, tăng sức cạnh tranh của hợp tác xã.
Ông Lê Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX Xuyên Việt (Hải Dương), cho biết HTX muốn phát triển bền vững cần mắt xích quan trọng là hội đồng cố vấn chuyên sâu với sự tham gia của nhà khoa học, chuyên gia hỗ trợ chuyên môn, kĩ thuật, giúp HTX khi mới thành lập không phải “mò đường”, loay hoay trong phát triển sản phẩm. Hội đồng cố vốn chuyên sâu này nên thí điểm cho một số HTX ở các địa phương trọng điểm. Ngoài ra, người đứng đầu hợp tác xã phải có tinh thần “thực chiến”, sẵn sàng đổi mới phương thức sản xuất mới có thể ứng dụng công nghệ mới.
Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện có chính sách cụ thể cho từng đối tượng, ngành nghề, quy mô hợp tác xã, nhưng nhiều chương trình đào tạo không hiệu quả. Bộ sẽ tiếp thu và chỉnh sửa. Vấn đề hợp tác xã mong muốn Nhà nước hỗ trợ tài sản đang được đề cập trong dự thảo Nghị định.
Liên quan đến việc thành lập hội đồng cố vấn, cơ quan soạn thảo dự thảo sẽ nghiên cứu thêm. Còn vấn đề vay vốn, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Quỹ phát triển HTX nhưng thực tế vấn đề vay vốn của hợp tác xã vẫn rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân đó là có những hợp tác xã đã có liên kết doanh nghiệp nên không cần vay vốn. Những HTX độc lập lại không đủ điều kiện vay vốn.
“Chúng tôi đang tìm hiểu vì sao với tổ chức hội phụ nữ cho vay tốt nhưng với HTX lại rất khó?”, ông Trung nói.