Doanh nghiệp hàng không đã qua thời chật vật
(DNTO) - Trong bối cảnh thị trường vận chuyển hàng không chỉ còn hai đối thủ cạnh tranh chính là Vietnam Airlines và Vietjet Air, doanh nghiệp hàng không đang trên đà phục hồi ấn tượng sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp đang vào vụ. Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (mã chứng khoán: VJC) là cái tên ấn tượng những ngày qua khi ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội nằm ngoài dự đoán của nhiều người.
Quý 2 năm nay, VJC đạt 635 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 200 lần so với con số 3 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm, VJC ghi nhận 1.118 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng trên 700% so với cùng kỳ. VJC là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.
Theo thông tin từ Vietjet, nửa đầu năm nay, Vietjet đã vận chuyển hơn 13 triệu khách, với tổng cộng trên 70 nghìn chuyến bay, lần lượt tăng 11% và 6% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách quốc tế cũng tăng 52% với 5,5 triệu lượt khách. Doanh thu phụ trợ và vận chuyển hàng hóa đóng góp 37% tổng doanh thu, đạt gần 11,4 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 27% so với cùng kỳ.
Nhu cầu đi lại của người dân, cũng như nhu cầu vận tải hàng hoá bằng đường hàng không tăng lên đã giúp doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực, nhất là trong bối cảnh toàn thị trường chỉ còn hai đối thủ cạnh tranh chính là Vietnam Airlines và Vietjet Air. Miếng bánh thị phần khá màu mỡ đang ưu ái cơ hội cho hai doanh nghiệp hàng không.
Thống kê 5 tháng đầu năm nay, thị phần Vietjet Air chiếm đầu ngành với 42,8%; Vietnam Airlines sát theo sau với 42,2%, tăng mạnh so với cùng kỳ sự suy giảm thị phần từ Bamboo Airways và Pacific.
Thách thức từ các khoản nợ
Theo báo cáo tài chính của VJC, tính đến 30/6, các khoản vay ngắn hạn đạt 16,7 ngàn tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm; vay và nợ tài chính dài hạn là 17,2 ngàn tỷ đồng. Tổng nợ vay đạt trên 33 ngàn tỷ đồng, chiếm trên 30% tổng nguồn vốn, trong đó đến chủ yếu từ nợ ngân hàng và nợ trái phiếu, cho thấy đòn bẫy tài chính vẫn được doanh nghiệp sử dụng cao.
Việc tăng nợ vay có thể giải thích từ nguyên nhân mở rộng đầu tư đội tàu, tăng công suất chuyến bay cải thiện kết quả kinh doanh, tuy nhiên đây cũng là thách thức với doanh nghiệp khi trung bình mỗi tháng chi phí lãi vay lên tới hàng trăm tỷ đồng và áp lực khi các gói trái phiếu đến kỳ đáo hạn.
Mặt khác, tổng tài sản của VJC tính đến ngày 30/6 là đạt 91,7 ngàn tỷ đồng, tăng thêm gần 5 ngàn tỷ đồng so với đầu năm nhưng tổng các khoản phải thu chạm mốc 63 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 69% trong tổng tài sản. Chiếm tỷ trọng lớn là khoản phải thu ngắn hạn khác và khoản phải thu dài hạn khác đều trên 20 ngàn tỷ đồng, chủ yếu nằm ở đặt cọc mua tàu bay 12 tháng tiếp và quỹ bảo dưỡng tàu bay thuê.
Điều này được cho cũng là phù hợp khi doanh nghiệp đang trong giai đoạn đẩy mạnh kinh doanh, khai thác thêm nhiều đường bay. Dù vậy, với việc ghi nhận khoản phải thu chiếm tỷ lệ lớn trong tổng tài sản cũng sẽ gây khó cho VJC trong trường hợp vòng quay khoản phải thu chậm khiến dòng tiền không được sử dụng hiệu quả.
Dù đứng trước nhiều áp lực không nhỏ nhưng triển vọng của VJC vẫn khá tích cực do có nhiều cơ hội thuận lợi phía trước như: nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hoá trong nước đang phục hồi nhanh, lượng khách quốc tế tăng vọt, cùng đó là việc tăng giá trần cho các chuyến bay nội địa.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/7, cổ phiếu VJC tăng 0,4%, đạt 105.900 đồng/cp