Cổ phiếu 'cháy hàng', các hãng bay đã cất cánh?
(DNTO) - Nhóm cổ phiếu hàng không đều trắng bảng chiều dư bán, nhà đầu tư có tiền cũng khó mua được.
Hai cổ phiếu VJC của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet và HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã có phiên giao dịch khá thành công khi cả hai đều nằm trong Top 10 những cổ phiếu có đóng góp nhiều nhất cho chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch hôm nay. Chỉ số chung hôm nay đã bật tăng hơn 20 điểm, thanh khoản cả ba sàn trên 23,8 ngàn tỷ đồng, cao nhất trong 8 phiên gần đây.
Với HVN, hôm nay là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp gần 7% mỗi phiên. Chỉ trong 2 ngày, hơn 10 triệu đơn vị HVN được trao tay. Kết phiên ngày 6/5, hơn 5,5 triệu HVN nằm ở chiều dư mua, trong khi chiều dư bán hoàn toàn trắng bảng. Tương tự, VJC kết phiên trong sắc tím với mức tăng 6,7%, khi không còn cổ phiếu bán nhưng vẫn còn hơn 300 ngàn đơn vị dư mua.
Như vậy, nhiều nhà đầu tư đã không có cơ hội với nhóm cổ phiếu này trong bối cảnh triển vọng dài hạn của ngành hàng không được đánh giá tích cực.
Kết thúc quý 1 năm nay, hai hãng bay đều cho thấy bức tranh kinh doanh khá sáng lạn. HVN công bố khoản lãi lên tới 4,4 ngàn tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ hơn 37 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, VJC lợi nhuận sau thuế hợp nhất trên 539 tỷ đồng, tăng 212% so với cùng kỳ.
Đáng ghi nhận ở các hãng bay là sự vượt trội về doanh thu và các khoản thu nhập khác so với cùng kỳ. Tại VJC, doanh thu hợp nhất đạt trên 17 ngàn tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.
Với HVN, tổng doanh thu tăng 25,4% so với quý 1/2023, chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 23,6%. Theo giải trình của hãng này, tốc độ tăng tổng doanh thu và thu nhập khác nhanh hơn so với tốc độ tăng tổng chi phí dẫn đến công ty mẹ lãi gộp về cung cấp dịch vụ đạt hơn 3.520 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã bay qua "vùng lỗ".
Thời của cổ phiếu hàng không đã đến?
Theo các công ty, họ đã có giai đoạn kinh doanh cao điểm trong quý 1 vừa qua. VJC đã mở tới 15 đường bay mới cả quốc tế và nội địa, nâng đường bay và công suất khai thác. Với HVN, doanh nghiệp tiếp tục triển khai các giải pháp như tối ưu hóa, nâng cao hiệu suất sử dụng đội bay, nguồn nhân lực, cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ, lãi suất…
Thực tế, nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hóa tiếp tục hồi phục sau giai đoạn khó khăn sẽ tiếp tục là động lực cho nhóm cổ phiếu hàng không. Lượng khách quốc tế trên đà hồi phục nhờ kỳ vọng vào lượng khách Trung Quốc sẽ quay trở lại, chính sách thị thực mới.
Quý 1, khách du lịch trong nước đạt 30 triệu lượt người, tăng 9% so với cùng kỳ, quý 2 và quý 3 dự đoán sẽ tiếp tục tăng trước nhu cầu du lịch mùa hè. Sự phục hồi kinh tế cũng sẽ hỗ trợ cho sản lượng vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không.
Ngoài ra, Thông tư 17 về việc điều chỉnh tăng giá trần vé máy bay, có hiệu lực từ 1/3 được cho giúp các hãng bù đắp chi phí đầu vào. Việc sân bay quốc tế Long Thành đang đẩy nhanh tiến độ, về dài hạn, cũng là yếu tố giúp các doanh nghiệp hưởng lợi khi đi vào hoạt động, dự kiến vào năm 2026.
Theo phân tích từ Yuanta, việc giá dầu bình ổn quanh mốc 90 USD/thùng đang không tạo áp lực cho biên lợi nhuận hãng bay khi mà chi phí nhiên liệu đang chiếm khoảng 25-28% chi phí khai thác.
Như vậy, nhiều yếu tố thuận lợi đang hỗ trợ nhóm cổ phiếu hàng không. Dù vậy, vẫn còn nhiều yếu tố nhà đầu tư cần theo dõi như các yếu tố địa chính trị có thể làm tăng giá dầu hơn dự kiến.
Mặt khác, cũng theo Yuanta, dù Thông tư 17 giúp cho các hãng bay có dư địa điều chỉnh giá vé trên các đường bay nội địa, tuy nhiên, các hàng không sẽ phải cân đối giá vé để bảo đảm hiệu quả hoạt động cũng như quyền lợi khách hàng. Giá vé vẫn cần tuân theo cơ chế thị trường để thu hút khách.
Hiện tại, giá vé máy bay tăng cao đang tác động không nhỏ đến nhu cầu đi lại của người dân. Ngày 3/5, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Vụ Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra, rà soát tình trạng giá vé máy bay nội địa tăng cao, khẩn trương báo cáo Bộ trước ngày 10/5.