Hạ tầng hàng không quá tải so với nhu cầu phát triển của đất nước
(DNTO) - Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, một số cảng hàng không của chúng ta đã quá tải hạ tầng, tập trung chủ yếu vào các cảng hàng không đầu mối lớn của cả nước, cụ thể là Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng.
Tại Tọa đàm “Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không”, ngày 23/6, ông Nguyễn Anh Dũng, cho biết hiện nay Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, trong đó có 21 cảng hàng không do doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý; 1 cảng hàng không chúng ta đã kêu gọi, huy động xã hội đầu tư theo hình thức PPP là Cảng hàng không Vân Đồn, Quảng Ninh.
Theo ông Dũng, giai đoạn 2011-2019/2020, tốc độ phát triển của ngành hàng không Việt Nam rất cao, trung bình từ 16-18%/năm, được Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) đánh giá là tốc độ phát triển hàng không nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 5 thế giới.
Tốc độ phát triển rất nhanh của vận tải hàng không đã gây áp lực lên kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Giai đoạn 2011-2019, kết quả đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không Việt Nam đạt được công suất thiết kế cho các cảng hàng không là 95 triệu lượt hành khách/năm. Trong khi thực tế thời điểm cao nhất trước Covid-19 năm 2019, sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 116,5 triệu hành khách/năm. Như vậy là đã vượt khoảng 20 triệu lượt khách thông qua hệ thống cảng hàng không Việt Nam.
"Với lưu lượng như vậy, một số cảng hàng không của chúng ta đã quá tải hạ tầng, tập trung chủ yếu vào các cảng hàng không đầu mối lớn của cả nước, cụ thể là Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng. Giai đoạn vừa qua, nguồn vốn của chúng ta huy động vào các cảng hàng không này chủ yếu là ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước", ông Dũng cho biết.
Ông Dũng cho biết thêm, 21 cảng hàng không đang khai thác do nguồn vốn Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước đầu tư. Riêng Cảng hàng không Vân Đồn là dự án thu hút PPP đầu tiên. Trong giai đoạn vừa rồi, đã thu hút được 95 nghìn tỷ, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 13,5%, còn lại là nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tức là của doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn PPP cho Cảng hàng không Vân Đồn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Sáu, nguyên Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, cho biết: "Về sản lượng hàng không, hiện có khoảng 1 trăm triệu khách/1 năm. Theo quy hoạch mới đây của Chính phủ, đến năm 2030 sẽ là 279,5 triệu khách, gấp 2,7 lần. Trên thực tế, tốc độ phát triển của ngành hàng không rất nhanh. Việt Nam tính ra là một trong 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng trung bình 17-20%/ năm. Với tốc độ như thế, chỉ cần khoảng 3 -5 năm chúng ta tăng gấp đôi lượng khách. Nhu cầu như vậy mà chúng ta không tìm những giải pháp để thực sự triển khai được các dự án vào năm 2024-2025, và thi công 2 -3 năm, tức là đến năm 2027 -2028 mới đưa vào khai thác, thì đến năm 2030 chúng ta lại tiếp tục quá tải. Như vậy luôn luôn trong tình trạng quá tải".
Ông Sáu phân tích thêm, vấn đề quá tải sân bay ảnh hưởng rất lớn, đầu tiên là đối với các hãng hàng không. Khi quá tải dẫn đến vấn đề lớn nhất là chậm, hủy chuyến. Chậm chuyến đối với các hãng hàng không, chỉ cần 1 phút trễ sẽ tốn kém nhiên liệu 100 USD, mà chúng ta thấy thường những sân bay lớn phải chờ đến 30 phút. Việc chậm như thế ảnh hưởng rất lớn đến kinh phí của hãng hành không và vấn đề môi trường.
Vấn đề thứ ba là nguồn lực của hành khách cũng bị ảnh hưởng. Và vấn đề quan trọng nhất hiện tại là làm sao đẩy nhanh việc đầu tư vào hạ tầng sân bay. Hạ tầng cảng hàng không hiện nay có 2 hạ tầng chính, không chỉ là các sân bay mới, sân bay hiện hữu mà cần đầu tư cơ sở hạ tầng của sân bay như nhà ga hàng hóa, nhà ga hành khách và công trình phụ trợ. Rất nhiều công trình đó phải tìm cách đầu tư càng sớm càng tốt...
"Việc triển khai vào sân bay có 2 mục đích. Một là nâng cấp để đảm bảo sản lượng tăng trong thời gian tới. Mục đích nữa là: Chúng ta chỉ nhắm vào nâng cấp sân bay hiện tại mà không nghĩ tới việc có những sân bay hết khả năng phát triển rồi, nguồn lực về đất đã không còn, chúng ta phải thiết kế những sân bay để chia sẻ sự quá tải của sân bay hiện hữu. Hiện tại chúng ta chưa tập trung sâu vào vấn đề đó để khi quá tải, chúng ta đảm bảo được hoạt động, tránh việc tắc nghẽn", ông Dũng đề xuất.
Cần lưu ý thành phố hàng không khác với thành phố sân bay và các quy hoạch về phát triển sân bay chuyên dùng. Như vừa rồi, góp ý cho quy hoạch tỉnh Đồng Nai, tôi cũng có ý kiến về việc tỉnh phải có trách nhiệm xây dựng quy hoạch sân bay chuyên dùng. Chính phủ quy hoạch tổng thể sân bay lớn, sân bay chuyên dùng thì phải có quyết định rõ rằng các địa phương khi xây dựng quy hoạch tổng thể thì xây dựng sân bay chuyên dùng cho tàu bay cỡ nhỏ, Airtaxi, thủy phi cơ... Đây cũng là một nội dung rất quan trọng để chúng ta triển khai được luôn. Rất mong những gì chúng ta bàn thì phải có lộ trình, giải pháp để triển khai càng sớm càng tốt. Nếu không chúng ta tiếp tục trong tình trạng lúc nào cũng quá tải.
Liên quan đến nội dung đầu tư công-tư cũng như việc thu hút đầu tư, ông Sáu dẫn thông tin: Ở nước ngoài có rất nhiều nước như Mỹ, Australia, gần nhất như Trung Quốc, Singapore cũng đều đi theo hướng tư nhân hóa dần dần các sân bay, theo trình tự: Giai đoạn trước các sân bay do Nhà nước quản lý, dần dần có sự phối hợp giữa công và tư. Sau đó đó có cổ phần dưới 50%, và cuối cùng là trên 50%.
"Theo khuyến cáo, đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế, xu hướng sau này dần dần các sân bay sẽ được đầu tư từ khối tư nhân, phối hợp cùng Nhà nước để giảm tải vấn đề tài chính với khối công", ông Sáu nêu.