Cổ phiếu Vietnam Airlines bất ngờ cất cánh
(DNTO) - Bất ngờ tăng kịch trần gần 7% với khối lượng giao dịch đạt trên 5,3 triệu cổ phiếu trong phiên, đồ thị giá HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đi lên theo chiều thẳng đứng.
Đầu phiên chiều, mã HVN ghi nhận lượng giao dịch lớn, qua đó đẩy thị giá của cổ phiếu tăng mạnh. Cụ thể, hơn 5,3 triệu cổ phiếu HVN được thực hiện trong phiên, trong đó khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3,7 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị giao dịch đạt trên 70 tỷ đồng.
HVN tăng kịch trần 6,6%, chốt tại 13.300 đồng/cp, mức tăng mạnh nhất của cổ phiếu này từ giữa năm 2023 đến nay. Kết quả của phiên hôm nay đã giúp HVN tăng hơn 10% trong một tháng qua và tăng khoảng 20% nếu tính ba tháng gần đây. Hiện HVN vẫn đang trong diện bị kiểm soát và hạn chế giao dịch.
Cùng nhóm cổ phiếu hàng không, ACV của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam tăng 3,3%; AST của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco tăng không đáng kể 0,3% hay VJC của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet cũng chỉ tăng nhẹ 0,3% dừng tại 103.600 đồng/cp.
Kết thúc năm 2023, trong khi nhiều công hàng không khác báo tin vui thì Vietnam Airlines vẫn trong cảnh bấp bênh. Riêng quý 4, doanh nghiệp vẫn gánh mức lỗ ròng lên tới gần 2 ngàn tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ, dù các khoản chi phí không còn quá cao so với quý 3/2023 và doanh nghiệp có ghi nhuận thêm lợi nhuận khác.
Cho cả năm 2023, HVN ghi nhận doanh thu thuần hơn 91 ngàn tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng cao khiến doanh nghiệp chỉ còn 3,9 ngàn tỷ đồng lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, chi phí tài chính của doanh nghiệp lại trên 4,3 ngàn tỷ đồng, trong đó 35% là chi phí lãi vay; chi phí bán hàng cũng trên 4,3 ngàn tỷ đồng khiến câu chuyện lỗ của HVN vẫn chưa có hồi kết. Doanh nghiệp lỗ ròng hơn 5,8 ngàn tỷ đồng trong năm.
Phía doanh nghiệp cho biết, họ đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025, cơ sở để Vietnam Airlines thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng thua lỗ, cải thiện tình hình kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sớm đưa HVN sớm thoát khỏi tình trạng bị kiểm soát.
"Những khó khăn từ đại dịch cùng sự cạnh tranh lớn đã thúc đẩy chúng tôi phải quyết tâm tái cơ cấu mạnh mẽ hơn. Hiện nay chúng tôi đang phải cạnh tranh với hơn 50 hãng hàng không cả nội địa và quốc tế", đại diện doanh nghiệp, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, trả lời báo chí.
Hiện tại khá nhiều yếu tố tích cực đang ủng hộ cho doanh nghiệp.
Trước hết, sự ấm lên của thị trường du lịch trong nước kỳ vọng sẽ tạo bứt phá về doanh thu cho các hãng hàng không nói chung và HVN nói riêng. Theo dự báo đó, năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế (năm 2023 đón 12,6 triệu khách); 110 triệu lượt khách nội địa (năm 2023 là 108 triệu lượt), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, thị trường Trung Quốc được kỳ vọng nhiều nhất khi nền kinh tế nước này quay trở lại mạnh mẽ. Chính sách thị thực mới hấp dẫn tiếp tục kéo dài sẽ giúp Việt Nam thu hút được nhiều khách quốc tế hơn.
Cùng đó, đầu tháng 3 này, việc áp trần giá vé máy bay nội địa sẽ khiến giá vé tăng khoảng 3,75% so với hiện hành, tương đương tăng 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều, sẽ là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cải thiện doanh thu.
"Lợi nhuận năm 2024 của tất cả các công ty trong ngành hàng không sẽ được cải thiện nhờ số lượng hành khách quốc tế tăng lên, chi phí nhiên liệu thấp hơn và tình trạng dư cung giảm", chứng khoán SSI nhận định.
Công ty này cũng khuyến nghị với cổ phiếu hàng không với các rủi ro bao gồm: "một đợt bùng phát đại dịch khác, căng thẳng địa chính trị, hoặc thu nhập khả dụng thấp hơn do ảnh hưởng từ nền kinh tế yếu và chi phí nhiên liệu cao hơn".