Vì sao nhóm cổ phiếu thuỷ sản lại nhảy mạnh?

(DNTO) - Loạt cổ phiếu thuỷ sản bất ngờ tăng kịch trần trong phiên giao dịch 26/2 khiến nhóm này trở thành nhóm tăng điểm dẫn đầu trong phiên với mức tăng trung bình trên 6%.
Đà tăng kịch trần tím ngắt thuộc về các cổ phiếu: VHC của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn; ANV của Công ty cổ phần Nam Việt; ACL của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang hay IDI của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia đều tăng trên 6,5%.
Một số cổ phiếu khác có mức tăng tốt bao gồm KHS của Công ty cổ phần Kiên Hùng (+7,3%), AMM của Công ty cổ phần Thủy sản MeKong (+5,6%) hay CMX của Công ty cổ phần Camimex Group (+5%)...
Ngoại trừ cổ phiếu DAT của Công ty cổ phần Đầu tư du lịch và Phát triển Thủy sản giảm nhẹ, tất cả các cổ phiếu còn lại đồng loại tăng mạnh tạo điểm nhấn cho cả phiên giao dịch.

Ảnh minh hoạ
Nhóm cổ phiếu thuỷ sản hồi phục mạnh từ tháng 11 năm ngoái đến nay sau khi rơi vào đà giảm và tạo đáy ngắn hạn. Theo đó, tính từ đầu tháng 11 đến nay, VHC, ANV, IDI đều tăng trên 34%; ASM tăng trên 42%; FMC tăng trên 15%... Tuy nhiên tính chung cho cả năm 2023, cổ phiếu ngành thủy sản tăng 11,7% so với đầu năm, khá sát với mức tăng 12% của chỉ số VN-Index, điển hình có FMC (+47%); ANV (+43%); và VHC(+7%).
Tăng mạnh do đâu?
Năm 2023, nhiều doanh nghiệp thuỷ sản có doanh thu xuất khẩu giảm nhẹ do những tác động từ yếu tố bên ngoài. Như VHC giảm 24% so với cùng kỳ, IDI giảm nhẹ 9%, AVN cũng giảm 9%... Bước sang năm 2024, xuất khẩu thuỷ sản đã bắt đầu nhận được những tín hiệu tích cực trước những dự đoán về sự thay đổi của nền kinh tế trong nước và thế giới.
Trước hết, với sản phẩm cá tra, theo kết quả sơ bộ về đợt rà soát thuế chống bán phá giá cho đợt rà soát lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022, mức thuế suất kỳ vọng sẽ giảm tới 94% so với năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp như VHC và ANV sẽ tiếp tục được hưởng mức thuế 0 đô la/kg. Dù kết quả cuối cùng chưa được công bố, nhưng có thể thấy, triển vọng cho ngành là rất lớn và nhiều nhà đầu tư đang đặt cược cho kỳ vọng này.
Nền kinh tế Mỹ đang có nhiều dấu hiệu tích cực khi FED phát tín hiệu cho việc ngừng tăng lãi suất. Chỉ số tiêu dùng cá nhân của Mỹ đang có những diễn biến tốt báo hiệu nhu cầu tiêu dùng của nước này phục hồi. Theo đó, nhu cầu nhiều thị trường lớn được cho sẽ dần trở lại.
Dù vậy, theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), năm 2024, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với vấn đề: sự phục hồi chậm của các nền kinh tế, xung đột giao tranh của một số nước gây ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, khiến chi phí vận tải, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp gia tăng... Theo đó, Vasep cho biết, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần và khả quan hơn vào nửa cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản hồi phục trở lại mức 9,5 - 10 tỷ đô la, trong khi kết quả của năm 2023 là 9,3 tỷ đô la.
Nhận định về cổ phiếu ngành thuỷ sản, chứng khoán SSI cho biết, họ nhận thấy mức định giá sẽ hướng về mức trên trong phạm vi P/E trung bình 10 năm trong khoảng 6x-11x do nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp chạm đáy trong năm 2024, tăng trưởng âm trong nửa đầu năm và tăng trưởng dương trong nửa cuối năm.
SSi cũng khuyến nghị, định giá cổ phiếu đang ở mức cao lịch sử, tuy nhiên chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy giá cá tra sẽ phục hồi, dù vậy các chuyên gia cũng lưu ý, bất kỳ dấu hiệu tích cực nào về sự phục hồi doanh thu tháng và giá bán trung bình đều có thể cải thiện tâm lý đối với cổ phiếu liên quan đến tôm/cá tra.
"Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của ngành thủy sản sẽ tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ trong năm 2024 (chủ yếu là trong nửa cuối năm 2024), so với mức giảm lợi nhuận khoảng 50%-80% so với cùng kỳ trong năm 2023", SSI đưa khuyến nghị.
Cổ phiếu được SSI yêu thích là FMC và khuyến nghị cổ phiếu trong diện theo dõi là VHC.