Nguồn lực sụt giảm 15%, tình trạng thiếu hụt máy bay sẽ còn tái diễn sang nửa đầu năm 2025
(DNTO) - Trong bối cảnh thiếu hụt máy bay, để đảm bảo tải cung ứng trong thời gian tới các hãng sẽ tăng cường bay sau 22h, đồng thời kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục hỗ trợ đảm bảo giữ slot (lượt cất, hạ cánh) khai thác cho các hãng trong điều kiện thị trường vận tải hàng không quốc tế đang phục hồi.
Câu chuyện thiếu tàu bay là chủ đề nóng tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Vietnam Airlines vừa qua. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Corp, trong khi nhu cầu đi đường hàng không tăng nhanh sau dịch Covid-19 thì nguồn cung thị trường lại giảm. Thị trường hàng không Việt Nam hiện có khoảng 270 tàu bay, giảm 45 - 50 tàu bay so với trước.
Hệ quả của tình trạng trên là giá vé máy bay tăng cao. Ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, giá vé máy bay trong nước gần đây tăng 15 - 17%, nhưng còn cách xa giá trần. Trên thế giới, các hãng bay đã tăng giá từ năm 2023 để bù đắp chi phí, tích lũy lợi nhuận phòng xa những tình huống rủi ro khó lường.
“Nếu cung - cầu còn lệch pha, giá vé máy bay khó điều chỉnh giảm”, ông Tuấn nói và chia sẻ, giá vé tăng nhưng Vietnam Airlines vẫn chưa đủ để bù đắp cho sự gia tăng chi phí nhiên liệu và các chi phí khác.
Báo cáo tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Giao thông Vận tải, sáng 3/7, theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cũng chỉ ra thực trạng do thiếu hụt đội máy bay nên các hãng hàng không Việt Nam phải điều chỉnh giảm cung ứng trên các đường bay nội địa và đây là nguyên nhân khiến thị trường nội địa giảm so cùng kỳ 2023 và 2019.
"6 tháng đầu năm nay, tổng thị trường hành khách ước đạt 38,1 triệu khách, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt 21,1 triệu khách, tăng 44,3% so với cùng kỳ 2022 và tăng 3% so cùng kỳ 2019, khách nội địa là 17 triệu khách, giảm 19,4% so với cùng kỳ 2023", ông Thắng thông tin.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, dự báo cuối năm nay, phải tạm dừng 17 chiếc máy bay A321NEO, có 3-5 chiếc A350 cũng sẽ ảnh hưởng bởi lệnh triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitney. Hãng đang tiếp tục làm việc với nhà sản xuất để có phương án xử lý.
“Quá trình đưa động cơ vào bảo dưỡng kéo dài đến 300 ngày, gần gấp ba lần thời gian trước kia. Do đó, tình huống thiếu hụt máy bay sẽ còn tiếp diễn đến nửa đầu năm 2025", Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho hay.
Trong điều kiện nguồn lực máy bay bị sụt giảm 15%, ảnh hưởng đến năng lực khai thác của Vietnam Airlines, ông Hà cho biết, giải pháp trước mắt là tổ chức lại đường bay, tăng giờ khai thác, đưa thêm các chuyến tối muộn hoặc bay sớm....Chủ động thuê ướt 4 máy bay (thuê máy bay, tổ bay) phục vụ cao điểm, đáp ứng tải cung ứng cho thị trường nội địa, khai thác chuyến bay đêm để có cơ hội giảm giá vé cho người dân; tiếp tục mở rộng mạng đường bay quốc tế.
Trong giai đoạn tiếp theo, để bảo đảm tải cung ứng, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp để đáp ứng nhu cầu của thị trường; chỉ đạo các hãng hàng không thực hiện các giải pháp để phấn đấu có nguồn cung không thấp hơn so 2023, như giảm thời gian quay đầu, tối ưu hóa thời gian khai thác máy bay trong ngày, tăng cường các chuyến bay sau 22h.
"Vietnam Airlines kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục hỗ trợ các hãng hàng không làm việc với các nhà chức trách hàng không các quốc gia để đảm bảo giữ slot (lượt cất, hạ cánh) khai thác cho các hãng trong điều kiện thị trường vận tải hàng không quốc tế đang phục hồi", Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nói.