Doanh nghiệp gia đình khó chuyển giao thế hệ vì F1 chưa chịu rời ghế sớm
(DNTO) - Nhiều doanh nhân đã 65 tuổi nhưng không có lộ trình chuyển giao cho thế hệ F2, không tin tưởng người kế nhiệm, dẫn tới thế hệ F2 gặp áp lực lớn khi nhận nhiệm vụ, khiến việc chuyển giao kém hiệu quả.
Theo báo cáo của EY, số lượng doanh nghiệp gia đình chiếm đến 80% tổng số doanh nghiệp trên thế giới. Quy mô 500 doanh nghiệp gia đình hàng đầu thế giới chỉ xếp sau 2 nền kinh tế là Mỹ và Trung Quốc.
Doanh nghiệp gia đình theo tiêu chí của hãng tư vấn EY là doanh nghiệp tư nhân bắt đầu từ thế hệ thứ 2 trở đi, nếu ở thế hệ thứ nhất phải có 2 thành viên trở lên có quyền điều hành. Với các doanh nghiệp đã niêm yết, thì doanh nghiệp gia đình phải chiếm cổ phần hơn 32%.
Ở Việt Nam, theo khảo sát VCCI, năm 2023, số lượng doanh nghiệp gia đình ở chiếm 70% trong 900.000 doanh nghiệp trong nước.
Chia sẻ trong buổi CEO Talk chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Định hình tương lai” hôm 12/10, các chuyên gia cho biết các doanh nghiệp gia đình trên thế giới đều gặp vấn đề về chuyển giao thế hệ. Đặc biệt ở Việt Nam, đây là một thách thức vì việc chuyển giao thế hệ vẫn còn là vấn đề chưa được nhiều doanh nhân quan tâm.
Có người 65 tuổi vẫn chưa chuyển giao
Chia sẻ trong buổi CEO Talk, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Phú Thái Holdings Group, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam đang vấp phải khó khăn là thế hệ F1 kiến thức bị cũ kĩ, tuổi tác cao, làm thế nào để kế nghiệp cho thế hệ sau.
Ông Đoàn nêu ra một thực tế là có doanh nghiệp gia đình hiện nay vẫn đang điều hành bởi những doanh nhân rất cao tuổi. Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam hiện nay đều đầu tư cho con cái đi du học, tạo mọi điều kiện để con cái được học hành tốt nhất. Tuy nhiên, giữa thế hệ F1 và F2 đang có sự xung đột về quản trị. Thế hệ F1 thường ra quyết định dựa vào cá nhân nhiều hơn; trong khi thế hệ F2 quản trị chuyên nghiệp, hội nhập tốt hơn.
“Có người điều hành doanh nghiệp đã 65 tuổi rồi mà không có kế hoạch chuyển giao thì tới bao giờ mới chuyển giao. Rất nhiều thế hệ F1 khi tôi tiếp xúc họ vẫn quản trị theo kinh nghiệm, gia đình, quan hệ… nên thế hệ F2 họ không được tôn trọng. Trong khi F2 họ không nghĩ rằng kinh nghiệm của thế hệ F1 là đáng kể”, ông Đoàn nói.
Thực tế này cũng được phản ánh trong báo cáo của EY. Theo đó, có 58% chủ doanh nghiệp trên 50 tuổi và 35% trong số họ muốn nghỉ hưu sớm và tìm người kế nghiệp. Tuy nhiên, hơn 40% lý do các doanh nghiệp không chuyển giao thế hệ được vì không tìm được người kế nghiệp phù hợp. 60% nguyên nhân là do sự thiếu tương tác giữa các thành viên chủ chốt trong gia đình.
“F1 nói gì với F2, họ chia sẻ với nhau tầm nhìn, sứ mệnh doanh nghiệp gia đình như thế nào. Doanh nghiệp hiện nay đang rất áp lực về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nhưng cách nhìn nhận của mỗi thế hệ khác nhau, cách xử lý, giải pháp khác nhau”, ông Trần Đình Cường, Chủ tịch Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, lý giải.
Nhưng còn một nguyên nhân khác chiếm tới 25% việc chuyển giao không thành công là do thế hệ F1 chưa sẵn sàng rời ghế. Ông Cường cho biết, các doanh nhân khi thành công họ đều trở thành tượng đài trong mắt mọi người. Họ nghĩ rằng mình vẫn đang sung sức và có tiếp thể tiếp tục làm việc. Nhưng khi họ đuối sức, cùng với công việc nhiều lên, áp lực lớn hơn, họ mới nghĩ tới việc chuyển giao.
Nhưng lúc này thì thế hệ F2 lại chưa sẵn sàng, họ áp lực vì giải quyết bài toán quá lớn nên không đảm đương được. Đó là lý do ở Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp gia đình chuyển giao thế hệ thành công, nhưng có những doanh nghiệp chuyển giao rồi nhưng lại chuyển giao lại.
“Nếu doanh nghiệp đang ở giai đoạn đi lên thì không sao, nhưng nếu chuyển giao trong chu kì doanh nghiệp đang đi xuống thì áp lực dồn dập hơn rất nhiều. Lúc đó, người kế nhiệm chỉ nhìn thấy áp lực mà không còn nhìn thấy tiềm năng nữa”, ông Cường nói.
Chấp nhận lùi xuống một bước
Việc chuyển giao thế hệ đang rất khó khăn. Ông Phạm Đình Đoàn cho rằng nếu thế hệ F2 không chịu nổi áp lực, không tham gia vào việc kinh doanh của gia đình, như vậy rất đáng tiếc.
Nếu không tìm được người kế nghiệp, các doanh nghiệp gia đình sẽ phải tính đến phương án bán lại công ty. Do đó, các doanh nghiệp gia đình nên phải có 2 kế hoạch tìm người kế nghiệp. Trong trường hợp người thân trong gia đình không tiếp nhận thì phải có phương án tìm người bên ngoài để nối tiếp quy mô phát triển.
Ở Việt Nam chưa có nhiều trường, học viên, chương trình đào tạo về việc kế nghiệp. Việc đào tạo chuyển giao thế hệ đôi khi phải yêu cầu cả 2 thế hệ cùng tham gia vì cách tiếp cận một vấn đề của 2 thế hệ khác nhau, nhưng vẫn phải chung một tiếng nói.
Chủ tịch EY Việt Nam cũng khuyến nghị doanh nghiệp gia đình nên lựa chọn thời điểm chuyển giao thích hợp, đào tạo, đồng hành cùng thế hệ F2 sớm nhất có thể. Phải có sự chuẩn bị nguồn lực về nhân lực và tài chính kĩ lưỡng và chắc chắn, với phương châm đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
“Thế hệ F1 đang ở đỉnh cao quyền lực phải chấp nhận lui về, lùi xuống một bước và đứng nhìn quan sát. Đây là điều hết sức khó khăn. Vì vậy thách thức lại là từ phía doanh nhân F1, làm thế nào để cho thế hệ thứ 2 họ có sự tự tin”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, các doanh nhân F2 hiện nay có thể kế nghiệp theo nhiều phương thức khác nhau, công cụ khác nahu để đạt được mục đích một cách nhanh hơn, phù hợp hơn. Họ cũng có thể lựa chọn đứng vị trí nhà đầu tư và giám sát việc đầu tư thông qua một đội ngũ quản trị thuê ngoài. Hoặc họ có lựa chọn khác là IPO, đại chúng hóa, giữ lại một phần cổ phần, để doanh nghiệp tự lựa chọn nhà điều hành mới, miễn sao doanh nghiệp vẫn phát triển theo định hướng.