Doanh nghiệp công nghệ kiếm bộn tiền nhờ ‘trend’ chuyển đổi số
(DNTO) - Hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam và trên thế giới, nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin tăng trưởng vài chục đến vài trăm phần trăm trong đại dịch.
4 tháng giãn cách xã hội tại TP.HCM dường như chưa từng ảnh hưởng đến Getfly – doanh nghiệp công nghệ đang cung cấp giải pháp CRM (phần mềm chăm sóc khách hàng) cho doanh nghiệp).
Ông Võ Đăng Khoa, CEO Getfly cho biết, hiện Getfly đang phục vụ cho hơn 3.000 doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp khác bị sụt giảm doanh thu, mất lợi thế cạnh tranh và đóng cửa bởi giãn cách xã hội và làm việc tại nhà, thì hoạt động của Getfly và các doanh nghiệp đối tác vẫn diễn ra bình thường trên một hệ thống công nghệ.
“Theo dữ liệu chúng tôi đo lường được thì phần lớn các doanh nghiệp sử dụng giải pháp số hóa vẫn có thể duy trì hoạt động tương tác với khách hàng trong mùa dịch. Vì vậy, dù có làm việc tại nhà cũng không còn là cản trở của doanh nghiệp”, ông Khoa cho hay.
Nhiều doanh nghiệp hiện nay đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nên cũng tăng chi cho các gói đầu tư công nghệ, từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng. Do vậy, năm 2021, doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin được kỳ vọng hưởng lợi nhờ xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam và trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Tá Anh, Giám đốc sản phẩm FPT eContact cho biết, sau đại dịch, rất nhiều doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động.
“Có rất nhiều doanh nghiệp chia sẻ với tôi rằng, có những hợp đồng gửi từ TP.HCM ra Hà Nội hơn 1 tháng vẫn chưa thấy đâu. Đương nhiên những đối tác quen thuộc vẫn sẽ tiếp tục làm ăn với nhau, nhưng sự chậm trễ trong việc kí kết hợp đồng ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống vận hành đằng sau. Khi đó, vấn đề giao dịch, kí kết với đối tác bên ngoài trở thành vấn đề hết sức bức xúc và gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh giãn cách”, ông Tá Anh cho hay.
Nhận thấy đây là mảnh đất màu mỡ để phát triển, FPT ra đời giải pháp eContact – hợp đồng điện tử. Mặc dù là sản phẩm khá mới, tung ra thị trường từ tháng 7/2020 nhưng chỉ sau hơn 1 năm, số lượng khách hàng quan tâm và đăng kí sử dụng dịch vụ lên tới 800 khách hàng, mức độ quan tâm tăng 300% so với cuối năm 2020.
Nhờ việc nhanh chóng “bắt trend” xu hướng chuyển đổi số, nên dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, doanh thu quý 3/2021 của FPT vẫn tiếp tục tăng 17,9% so với cùng kì năm 2020, đạt mức 24.953 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng trưởng chủ yếu đến từ khối công nghệ với mức doanh thu 14.294 tỷ đồng, tăng 22,1% và khối viễn thông 9.232 tỷ đồng, tăng 11,1%.
Năm 2021 cũng là năm nhiều doanh nghiệp khối công nghệ thông tin ghi nhận mức tăng trưởng kỉ lục, từ 77% đến trên 300%, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường quốc tế như BAP, FABBI, MOR Software…
Statista cũng dự báo doanh thu ngành công nghệ thông tin đạt hơn 1,18 tỷ USD trong năm 2021, và tiếp tục tăng lên 1,43 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm của các doanh nghiệp công nghệ gắn liền với quá trình chuyển đổi số quốc gia và doanh nghiệp; đặc biệt là những khung khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động của các lĩnh vực.
Ông Huỳnh Trọng Văn, CEO MiFi cũng là một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử, cho biết, trước đây, một hợp đồng thông thường của một doanh nghiệp sẽ có khoảng 4 trang giấy A4 lưu trữ. Với doanh nghiệp có khoảng 3.000 khách hàng, số lượng hợp đồng lưu trữ lên tới 1,2 triệu tờ giấy, nặng hơn 4 tấn, chưa kể các loại giấy tờ khác. Như vậy doanh nghiệp rất tốn kém trong việc lưu trữ hợp đồng, ngoài ra còn phải đối diện với rủi ro như thất lạc, mất mát.
Việc khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đã được quy định trong Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, cuối tháng 9/2021, ngay ở thời điểm nhiều tỉnh thành nới lỏng giãn cách, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 78 về hóa đơn điện tử. Trong đó quy định 100% các doanh nghiệp thuộc 6 tỉnh gồm TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Định phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử trong giai đoạn từ tháng 11/2021 - 3/2022. Trong diễn biến liên quan, Tổng Cục thuế cũng đang tuyển chọn 20 đơn vị có thể kết nối trực tiếp với Tổng Cục thuế để đồng bộ hóa đơn điện tử.
Việc thúc đẩy sử dụng hóa đơn điện tử đã tạo thêm “đất” cho các đơn vị cung cấp giải pháp về lĩnh vực này. Nhìn rộng hơn, hiện rất nhiều doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực blockchain, mobile money, fintech… thừa khả năng phát triển sản phẩm nhưng lại thiếu khung khổ pháp lý cũng đang rất nóng lòng chờ quy định pháp luật liên quan để đẩy mạnh hoạt động của mình.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ Tịch Hội Tin học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Truyền Thông số Việt Nam cho biết, mặc dù quá trình chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như khung pháp lý chưa hoàn thiện, hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, nguồn nhân lực thiếu và yếu… nhưng cả Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số và có chiến lược thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn. Vì vậy trong tương lai, các doanh nghiệp công nghệ thông tin vẫn sẽ ngày càng có nhiều cơ hội phát triển sản phẩm phục vụ thị trường.