Các doanh nghiệp ‘bán’ giải pháp chuyển đổi số: Đã đến lúc làm ăn chung
(DNTO) - Việc thành lập một nhóm các nhà cung cấp giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp là bên mua tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế tối đa những rủi ro khi thực hiện chuyển đổi số.
Theo IDG, giai đoạn 2020-2022, thế giới chi cho chuyển đổi số và công nghệ khoảng 2 nghìn tỷ USD. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh và mạnh hơn. Nhiều doanh nghiệp hiện nay nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, chuyển đổi số là quá trình dài hơi và tốn kém.
Điển hình như Tổng công ty Cổ phần May Việt Tiến, mỗi năm đều chi hàng chục tỷ đồng cho công tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ mới (năm 2019: 44 tỷ đồng; năm 2020: 50,65 tỷ đồng); hay như Phúc Sinh Group cũng mất tới 15 năm và hàng chục tỷ đồng để chuyển đổi số.
Thế nhưng, thực tế không phải cứ có tiền đầu tư cho công nghệ là sẽ thành công. Một nghiên cứu cho thấy, trong số 1,3 nghìn tỷ USD đã được chi cho chuyển đổi số năm 2019, ước tính 900 tỷ USD đã bị lãng phí.
Ông Nguyễn Hoàng Lê - Tổng giám đốc Công ty Tái cấu trúc chuyển đổi số Dr.SME cho biết, rủi ro trong chuyển đổi số là vô cùng lớn. Nếu doanh nghiệp mua sai phần mềm, thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ đồng.
“Trong quá trình tiếp xúc và tư vấn với các doanh nghiệp, vị này cho biết nhiều doanh nghiệp hiện đang làm chuyển đổi số theo phong trào. Tức họ nhìn, nghe thấy chuyển đổi số nên cũng muốn làm, nhưng đang hiểu sai về chuyển đổi số”, ông Lê cho biết.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam vốn đã yếu về tài chính, mỏng về nguồn lực, lại phải chống chọi trước cơn sóng dữ Covid-19, nên dù hiểu được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, nhưng cũng phải gác lại để dành mọi nguồn lực cho việc giữ được hoạt động doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp không có nguồn lực đầu tư cho công nghệ, chuyển đổi số, thì các giải pháp của các nhà cung ứng, dù tốt đến mấy cũng rất khó khăn khi bán hàng.
Một sáng kiến mới đây của Hội Tin học TP.HCM đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều nhà cung cấp giải pháp công nghệ. Đó là việc tạo ra các nhóm gồm 3-5 doanh nghiệp công nghệ ở nhiều lĩnh vực cùng tích hợp, đấu nối với nhau để cùng cung cấp các giải pháp công nghệ. Điều này mang lại cả lợi ích cho người bán và người mua.
“Các doanh nghiệp mua riêng lẻ phần mềm, khi muốn áp dụng thêm các phần mềm khác thì phải bỏ ứng dụng cũ hoặc phải sửa đổi rất nhiều, tốn kém chi phí. Trong khi nếu làm việc cùng một nhóm nhà cung cấp giải pháp, khi doanh nghiệp phát triển, các giải pháp chỉ cần mở rộng và thêm tính năng.
Còn đối với các nhà cung cấp giải pháp, mỗi đơn vị chỉ có thế mạnh để phát triển một modun, muốn phát triển nhiều modun khác phải mất vài năm và không bao giờ đủ tiền, đủ thời gian để đi ngược lại thời gian của các đơn vị khác, lúc đó khách hàng đã chạy mất. Vì vậy tốt nhất là kết hợp với nhau, tự nhiên khách hàng sẽ có giải pháp tốt”, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM cho hay.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết, hầu hết các doanh nghiệp công nghệ hiện nay đều đơn phương phát triển sản phẩm, nên dù với vai trò là tổ chức tập hợp các doanh nghiệp công nghệ, Hội Tin học TP.HCM cũng vẫn khó khăn để kết hợp các doanh nghiệp cung cấp giải pháp lại với nhau.
“Nhiều khi chúng tôi không thể biết họ đang làm gì, bởi đôi khi đó là tính tuyệt mật để đảm bảo sự cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ. Chỉ đến lúc được mời dự lễ ra mắt sản phẩm, chúng tôi mới có thể hiểu được sản phẩm của doanh nghiệp và vận động họ rằng, Hội Tin học có thể hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, đấu nối phần mềm với đối tác khác”, ông Tuấn cho biết.
Câu chuyện chuyển đổi số không còn mới mẻ vì đã được mổ xẻ rất cụ thể tại hàng trăm cuộc tọa đàm, hội thảo trong vài năm qua. Tuy nhiên, vấn đề của chuyển đổi số vẫn chỉ dừng lại ở việc đầu tư bao nhiêu tiền, bắt đầu từ đâu, ứng dụng công nghệ gì. Vì vậy, một tư duy mới để xây dựng cách thức mới cho các bên làm việc với nhau như cách Hội Tin học TP.HCM đang triển khai, dù ban đầu có khó khăn, nhưng có thể xem là nút gỡ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp thời gian tới.