Doanh nghiệp cần ‘chuyển mình’ như thế nào để thích ứng bối cảnh mới?
(DNTO) - Chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn bình thường mới đòi hỏi các doanh nghiệp phải năng động thích ứng. Việc tái thiết nền tảng quản trị, phân bổ nguồn lực để cải thiện “sức khỏe” trong bối cảnh không thể sạch bóng Covid-19 đang là cứu cánh đối với các doanh nghiệp.
Cải tổ chiến lược kinh doanh để thiết kế lại chuỗi cung ứng
Có thể nói, những chiến lược, quy trình và công cụ mà các doanh nghiệp vẫn dùng để kinh doanh, giao tiếp với khách hàng trước thời dịch bệnh không còn phù hợp với tình hình mới, buộc họ phải thích nghi, thay đổi.
Đại dịch Covid-19 là "phép thử" hiệu quả đối với sức đề kháng của mọi doanh nghiệp trên thế giới. Rõ ràng trước những biến cố, doanh nghiệp nào giữ được tính chủ động trong mọi hoàn cảnh, nhanh chóng thích ứng, xoay chuyển liên tục trong định hướng chiến lược, phương thức thực thi thì sẽ vượt qua được.
Về vấn đề này, bà Đào Thị Thiên Hương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam, phụ trách Tư vấn Chiến lược cho rằng, các doanh nghiệp cần định hình lại chiến lược, cấu trúc, quy trình, con người và công nghệ một cách nhanh chóng. Đồng thời tích cực kết nối nhà cung cấp, đối tác, khách hàng và thiết kế lại chuỗi cung ứng để tối ưu hóa khả năng phục hồi, phát triển.
Cũng theo bà Hương, để xây dựng chiến lược thích ứng tình hình mới, các doanh nghiệp cần tập trung quản lý khủng hoảng và thanh khoản. Ví dụ, thiết lập đội phản ứng nhanh để xử lý các vấn đề bất thường phát sinh về an toàn lao động, nguồn cung ứng, nguyên liệu sản xuất... đồng thời cân đối dòng tiền, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa cần thiết và theo dõi chặt chẽ công nợ. Bên cạnh đó, phân bổ lại nguồn lực đầu tư, xem xét cơ cấu sản phẩm, cơ cấu khách hàng, chính sách giá; rà soát lại công tác mua sắm, chi phí chuỗi cung ứng; tối ưu thuế và vốn lưu động.
"Doanh nghiệp cần tập trung vào chiến lược tái định vị, bao gồm cải tổ mô hình kinh doanh, xem xét lại mô hình tăng trưởng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thay đổi phương thức phản hồi nhằm tương tác tốt và hiệu quả hơn với hành vi, nhu cầu khách hàng vì đây chính là nội dung cốt lõi trong giai đoạn bình thường mới”, bà Hương nhấn mạnh.
Đơn cử như ngành bán lẻ, trở lại cuộc sống bình thường mới, nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh... đối mặt với bài toán thay đổi chính mình để nhanh chóng bắt kịp thói quen tiêu dùng mới của người dân. Các doanh nghiệp cần có những chiến lược kinh doanh dài hơi và hiệu quả.
“Trong thời gian qua, không chỉ nhóm dân số trẻ mà cả các tầng lớp trung niên hay cao tuổi cũng bắt đầu thích nghi với việc sử dụng công nghệ trong mua bán online. Việc này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, độ trung thành của họ sẽ giảm lại và dễ bị tác động bởi các thông tin, đánh giá ngay trên online. Do đó, các thương hiệu cần chú ý đến những kế hoạch bền vững để giữ được lượng khách trung thành của mình, song song đó là những chiến lược chăm sóc khách hàng, hậu mãi ngay trong thời gian tới”, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam cho biết.
Đồng quan điểm, ông Trần Tiến Thịnh, chuyên gia tư vấn trưởng Công ty Cổ phần Tư vấn Quản trị doanh nghiệp PPower cho rằng, doanh nghiệp cần tập trung vào chiến lược cải tổ mô hình kinh doanh tinh gọn, hiệu quả; xem xét lại mô hình hoạt động, tối ưu hoá nguồn lực, hướng đến giá trị thực, bắt đầu từ sản phẩm và con người, mang lại nhiều giá trị cho khách hàng hơn.
"Việc tăng trưởng nóng và nhanh bằng cách đầu tư đa ngành, ồ ạt khiến mô hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro, đặc biệt trong thị trường đầy biến động, chi phí tăng cao. Vì vậy, để thích ứng trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp nên xác định thế mạnh cốt lõi là gì và tập trung làm thật tốt, đó chính là thế mạnh tạo ra sự khác biệt đáng kể so với các đối thủ trên thị trường", ông Thịnh nêu quan điểm.
Ông Thịnh dẫn chứng, công ty công nghệ thì cần nắm chắc nền tảng, làm chủ và có những cái vượt trội hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tính toán, sử dụng chi phí hợp lý, tránh lãng phí vào những hạng mục đầu tư chưa cần thiết, hoặc cắt giảm bớt những chi phí phát sinh như kiểm soát lại các khoản vay, du lịch, hỗ trợ, cơ cấu lại các khoản đầu tư...
Theo ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang gặp khó khăn về quy mô hoạt động, khách hàng, sản phẩm chưa hoàn thiện, đội ngũ con người, hệ thống… do đó trong bối cảnh hiện nay, có những doanh nghiệp muốn thay đổi chiến lược, từ bỏ mảng kinh doanh hiện hữu. Hướng đi "cộng sinh" với các doanh nghiệp lớn hơn cũng là bài toán cấp thiết được đặt ra.
“Các doanh nghiệp lớn không thể tự làm tất cả các ngành, họ chỉ có thể bơm vốn, đưa nhân sự vào để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, nhưng sự cộng sinh này sẽ giúp cộng đồng SME có cơ hội phát triển bền vững”, ông Nguyễn Thái Phiên chia sẻ.
Bảo vệ nhân lực kết hợp quản trị rủi ro để giữ vững doanh nghiệp
GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt muốn "cất cánh" cần có quy trình quản trị rủi ro rõ ràng, bài bản. Các công ty cần định hình lại cấu trúc, quy trình, con người và công nghệ.
"Để thích ứng trong điều kiện mới, các doanh nghiệp cần xem lại cách thức quản trị rủi ro. Các đợt dịch giúp doanh nghiệp đánh giá lại nhiều vấn đề. Ví dụ như nên sử dụng nguyên liệu nhập khẩu hay trong nước, hợp tác với các đối tác tại TP.HCM hay các tỉnh miền Đông Nam bộ", GS.TS Nguyễn Đức Khương nhận định.
Cụ thể, các doanh nghiệp cần quan tâm đến sức khỏe, tâm lý của người lao động, giúp họ nâng cao chất lượng chuyên môn và xử lý những vấn đề phức tạp trong thời kỳ mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm để tiếp cận thị trường khó tính nhất; chủ động nguồn nguyên liệu để thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong dài hạn; nâng cao chất lượng hệ thống thông tin, hệ thống Internet để kết nối với nhà đầu tư, đối tác thông qua các nền tảng số.
"Đây là những vũ khí quan trọng để doanh nghiệp Việt có thể thích ứng và cạnh tranh mạnh mẽ trong tương lai", GS.TS Nguyễn Đức Khương cho hay.
Chia sẻ tại tọa đàm “Xoay trục chiến lược quản trị doanh nghiệp: Tiếp cận và vượt qua khủng hoảng từ góc nhìn chiến lược mới”, bà Đoàn Thị Mai Hương, Tổng giám đốc SASCO cho biết, từ kinh nghiệm vượt bão Covid-19 trong gần 2 năm qua, để sẵn sàng cho "đường đua" mới, công ty đã chuyển mình từ trạng thái phát triển kinh doanh mạnh mẽ sang chiến lược bảo tồn nguồn vốn quý giá nhất của doanh nghiệp là nguồn nhân lực.
“Trải qua những đợt bùng dịch, công ty đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý giá, đó là ưu tiên chăm lo sức khỏe người lao động. Lúc này, các chỉ tiêu kinh doanh phải đưa xuống hàng thứ hai, bởi khi nhân lực khoẻ thì công ty mới mạnh. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát hiện tiềm năng, đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực hơn nữa, đây là một trong những yếu tố quyết định thành bại cho doanh nghiệp", bà Hương nhận định.