Nâng cao ‘kháng thể số’ giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng Covid-19
(DNTO) - Không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng cần “vaccine” để duy trì hoạt động trong dịch Covid-19. Để vận hành, kinh doanh liên tục, thông suốt trong đại dịch, các doanh nghiệp phải ứng biến linh hoạt, tăng cường "kháng thể số" nhằm tạo "tấm khiên" chống đỡ trước những nguy cơ mà dịch bệnh gây ra.
Vượt Covid-19 bằng “vaccine công nghệ”
Làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, chia sẻ, trong 2 tháng, qua nền kinh tế TP.HCM chỉ hoạt động khoảng 20%. Đại dịch là phép thử và "bài kiểm tra" quá khó cho các doanh nghiệp. Thông qua cuộc khủng hoảng này, các doanh nghiệp cũng cần nhìn lại mình để từ đó xây dựng kế hoạch chuyển đổi, thích ứng và có chiến lược phát triển bền vững hơn.
Bàn về câu chuyện doanh nghiệp cần làm gì để sống chung, sống an toàn trong môi trường biến đổi do dịch bệnh, ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, cho rằng, đại dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường và tác động không chỉ trong thời gian ngắn. Do vậy, để thích ứng với tình hình này, các doanh nghiệp cần xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh mới, bởi các quy trình, hệ thống, nguyên tắc trước đây có thể chỉ phù hợp trong bối cảnh cũ.
Theo ông Minh Anh, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp buộc phải đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là áp dụng công nghệ 4.0 trong cả phương thức sản xuất lẫn phương thức giao dịch với khách hàng. Duy trì kết nối với khách hàng song phải đảm bảo an toàn cho mình và cho khách hàng trong đại dịch.
Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam cho hay, 20 tháng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy cung - cầu, điều này đã tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, đây cũng là chất xúc tác mạnh để doanh nghiệp thúc đẩy phương thức kinh doanh, tăng tốc chuyển đổi số.
Dẫn khảo sát gần đây được Deloitte thực hiện, bà Thanh cho hay, các công ty đang đánh giá các rủi ro hiện hữu chỉ mức trung bình và cho mục tiêu ngắn hạn mà chưa quản trị cho các mục tiêu tương lai. Bà Thanh cho rằng, đại dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu doanh nghiệp cần có cái nhìn toàn diện hơn về quản trị rủi ro và phát triển bền vững. Bởi một chương trình quản lý khủng hoảng toàn diện có thể mang lại cách tiếp cận có tổ chức, có hệ thống để chuẩn bị và ứng phó đối với khủng hoảng cao gấp 3 lần.
Về phần mình, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, cho biết, không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng cần “vaccine” để duy trì hoạt động trong đại dịch.
“Với mong muốn tăng cường "oxy", tạo một "tấm khiên" chống đỡ trước những nguy cơ mà dịch bệnh đã tạo ra, FPT triển khai chương trình FPT eCovax với 3 tiêu chí: Hạn chế tối đa tương tác trực tiếp, đảm bảo hiệu suất làm việc và làm chủ tình thế, sẵn sàng đối mặt và ứng biến linh hoạt với các thay đổi trong bối cảnh thị trường”, ông Tiến nói.
Theo đại diện FPT, các gói giải pháp trong chương trình này sẽ cung cấp "kháng thể số" cần thiết cho tất cả các doanh nghiệp, nhằm vận hành, kinh doanh liên tục, thông suốt. Đáng chú ý, "kháng thể số" này sẽ có tác dụng lâu dài đối với sức khoẻ doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động ngay cả khi đại dịch đã qua đi.
Doanh nghiệp phải tính cách sống an toàn trong môi trường biến đổi
Để vượt qua thách thức hiện tại, ông Trịnh Minh Anh khuyến nghị, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh hậu Covid-19 để kịp thời nắm bắt những cơ hội khi nền kinh tế phục hồi, trong đó có việc tận dụng tốt các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký với các nước đối tác để khôi phục, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư.
Nêu quan điểm của mình, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh, ngoài những giải pháp của Chính phủ, các địa phương, đã đến lúc chính các doanh nghiệp phải tính đến câu chuyện tái thiết kế các phương thức kinh doanh, tìm kiếm khả năng kinh doanh mới, tái cơ cấu doanh nghiệp, tìm cách thức quản trị mới để sống chung, sống an toàn trong môi trường biến đổi này.
“Tùy theo quy mô, mỗi doanh nghiệp sẽ có những mô hình phù hợp để giữ cho doanh nghiệp an toàn với Covid-19, song các mô hình đều phải tuân thủ nguyên tắc chủ động, từ lãnh đạo cao nhất đến toàn thể nhân viên cần nhận thức rõ và đồng lòng cùng tham gia phòng, chống dịch. Bởi lẽ nếu chỉ tập trung mục tiêu sản xuất, khi có dịch bệnh xảy ra, công ty sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn”, ông Phòng nói.
Về phía đại diện doanh nghiệp cho rằng, giải pháp giúp các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vacine cho người lao động tại các doanh nghiệp là ưu tiên quan trọng nhất. Cùng với đó, cần đảm bảo thông suốt trong vận tải hàng hoá liên tỉnh và nội tỉnh, tránh gián đoạn việc vận chuyển hàng hóa cũng gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị, cần đảm bảo sự thống nhất trong chính sách và quy định phòng chống dịch từ trung ương tới địa phương, nhanh chóng bãi bỏ các quy định do các địa phương ban hành trái với quy định của Trung ương và nâng cao hiệu quả triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp.