Thủ tướng: Các địa phương không được ra quy định trái với Trung ương
(DNTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các địa phương không được ra quy định trái với quy định của Trung ương, nếu thực hiện các biện pháp cao hơn thì phải báo cáo.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo quốc gia với Ban Chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố để đánh giá kết quả bước đầu công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt thứ 4 và bàn các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, diễn ra hôm nay, 17/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nhấn mạnh, phải tạo sự thông suốt, nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chính sách, nghị quyết, quy định trong phòng chống dịch để thống nhất trên toàn quốc, cấp dưới phải phục tùng cấp trên; cấp dưới không được ban hành quy định trái với quy định của cấp trên; nếu địa phương thực hiện quy định ở mức độ cao hơn, sớm hơn thì phải báo cáo với cấp trên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau hơn 5 tháng kể từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, dịch đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã nới lỏng giãn cách xã hội, chuyển từng bước sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.
Theo Thủ tướng, công tác phòng, chống dịch Covid-19 là việc chưa có tiền lệ, vừa thực hiện vừa bổ sung, hoàn thiện. Tại cuộc họp này, Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban Chỉ đạo các địa phương sẽ rà soát sau một tuần thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ. Đặc biệt, xem xét về những vấn đề còn vướng mắc trong quy định, nhất là những vướng mắc trong quá trình thực hiện để có điều chỉnh kịp thời.
Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên tắc chung là chính sách phải thống nhất toàn quốc, cấp dưới phải phục tùng cấp trên; cấp dưới không được ban hành quy định trái với quy định của cấp trên; nếu địa phương thực hiện quy định ở mức độ cao hơn, sớm hơn thì phải báo cáo với cấp trên.
Trên cơ sở kết quả Hội nghị này, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia sẽ có điều chỉnh, hoàn thiện để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh và khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả hơn.
Đợt dịch lần này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế trên một số lĩnh vực. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42%, quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các địa phương trọng điểm kinh tế. Dự kiến 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tình hình tài chính - ngân sách gặp khó khăn, phải huy động các quỹ dự trữ để chi phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội.
Người dân chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, mất mát về người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần. Thu nhập, việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là đối với người lao động tại các khu công nghiệp, người dân sống phụ thuộc các nghề dịch vụ. Tỷ lệ thất nghiệp riêng trong quý III/2021 là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý I/2020 đến nay.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, việc kết hợp đồng bộ, hiệu quả các biện pháp trong điều trị người bệnh góp phần giảm tử vong, tránh được cuộc khủng hoảng y tế xã hội như đã diễn ra ở một số quốc gia khác trên thế giới.
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 vẫn có những kết quả đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát (bình quân 9 tháng tăng 1,82%, dưới mức Quốc hội giao), các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. An sinh xã hội, đời sống của người dân được đặc biệt quan tâm; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện khó khăn, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội...
So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam là nước dân số đông, mật độ dân cư cao, thiếu vaccine, nên phòng, chống dịch hết sức khó khăn. Những kết quả quan trọng này rất đáng trân trọng, góp phần tạo động lực, niềm tin, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất của mọi tầng lớp trong xã hội, tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Cũng theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 92,5 triệu liều vaccine và tiêm được hơn 61 triệu liều. Đến ngày 16/10, 60,2% dân số trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và 24,7% tiêm đủ 2 liều.
Mặc dù xuất phát chậm song tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, nhanh hơn một số nước trong khu vực và mức trung bình của thế giới do tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam.