Để bước lên 'nấc thang' chuyển đổi số, sự 'sẵn sàng' của lãnh đạo doanh nghiệp đóng vai trò quyết định
(DNTO) - Theo các chuyên gia, để "đón sóng" chuyển đổi số, sự "sẵn sàng" của các lãnh đạo doanh nghiệp mới là quan trọng nhất, họ cần phải có sự quyết tâm, cam kết dám đi đến tận cùng, bởi chỉ có như vậy mới phát huy được hết hiệu quả mà chuyển đổi số mang lại.
'Rào cản' lớn nhất của chuyển đổi số là văn hóa chứ không phải công nghệ
Chia sẻ tại Diễn đàn “Tiếp cận mới về chuyển đổi số doanh nghiệp – hiểu đúng để làm trúng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ông Nguyễn Đức Hải, giám đốc công ty LitCommerce chia sẻ, rào cản lớn nhất của chuyển đổi số là văn hóa chứ không phải là công nghệ, vì công nghệ hiện tại đã tương đối đầy đủ để các doanh nghiệp có thể áp dụng chuyển đổi số. Tuy nhiên, về văn hóa thì sự sẵn sàng của các lãnh đạo mới là quan trọng nhất, họ cần phải có sự quyết tâm, dám đi đến tận cùng bởi chỉ có như vậy mới phát huy được hết hiệu quả mà chuyển đổi số mang lại.
“Khi các lãnh đạo nghe về chuyển đổi số ngoài xã hội ai cũng tỏ ra "sốt ruột", nhưng không hiểu chuyển đổi số là gì, hoặc nghe người nào đó tư vấn và áp dụng nhưng "không trúng" do không có phản biện một cách cặn kẽ vấn đề để xem chuyển đổi số đó có thực sự phù hợp với doanh nghiệp của mình không", ông Hải nêu vấn đề và ví von: "Việc áp dụng chuyển đổi số không đúng có thể ví như con cá vàng mà đeo vi con cá mập, khiến cho bộ máy của doanh nghiệp cồng kềnh hơn, nhân sự ở dưới phải thực thi một cách ép buộc, không phát huy được hiệu quả của chuyển đổi số".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Dương, Phó Trưởng ban Chiến lược sản phẩm, Công ty Công nghệ Thông tin VNPT nhận định, có rất nhiều khung chuyển đổi số được đưa ra, tuy nhiên, dựa trên thực tế quá trình chuyển đổi số, trụ cột chính xuyên suốt quá trình chuyển đổi số chính là năng lực lãnh đạo số.
"Lãnh đạo cần dựa trên tình hình thực tế của doanh nghiệp để xác định đích đến của chuyển đổi số là ở đâu. Do vậy các nhà lãnh đạo cần có suy xét cẩn thận xem đâu mới là vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp, và mức độ sẵn sàng về nguồn lực thực hiện chuyển đổi số của doanh nghiệp mình", ông Dương nhấn mạnh.
Mặt khác, các nhà lãnh đạo cần nuôi dưỡng sự cam kết thực hiện chuyển đổi số trong toàn bộ doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố có tác động nhiều đến kết quả và hiệu quả chuyển đổi số. Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh sẽ tác động đến thành công của chuyển đổi số.
"Điều này cần phải được chứng minh thông qua các hành động, kế hoạch của công ty cũng như việc thành lập các nhóm chiến lược trong chuyển đổi số. Tất cả những điều đó báo hiệu cam kết của tổ chức trong vấn đề này", ông Dương cho biết thêm.
Phân tích sâu hơn về tư duy trong chuyển đổi số, ông Nguyễn Đức Hải chia sẻ tư duy theo hai hướng đó là đầu vào và đầu ra. Theo ông Hải, đầu tiên phải xác định đầu vào cần gì, đầu ra cần gì, sau đó mô hình hóa tất cả các khâu trong doanh nghiệp, từ nhân sự, CEO, đến marketing và phát triển sản phẩm, quản trị chăm sóc khách hàng,...
Sau khi mô hình hóa, cần phải ngồi lại và bóc tách số hóa các quy trình đó như thế nào để tiến hành xây lên cho các vị trí lãnh đạo cấp dưới, giúp họ hiểu được sự tầm quan trọng của chuyển đổi số.
Các chuyên gia nêu giải pháp tạo 'lực đẩy' cho doanh nghiệp chuyển đổi số thành công
Theo ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ tịch Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam, các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số gắn với quản trị doanh nghiệp trong 3 trụ cột chính là tài chính, nguồn nhân lực và maketting. “một doanh nghiệp có quản trị tốt hay không sẽ phụ thuộc vào ba trụ cột này”, ông Thuận nhấn mạnh.
Đưa ra giải pháp giúp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, ông Thuận cho rằng, cần xây dựng hệ thống tài liệu để hướng dẫn các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần hình thành hệ thống tổ chức điều phối mạng lưới để doanh nghiệp xây dựng chuyển đổi số; Hỗ trợ, đào tạo lại nhân lực khi tham gia chuyển đổi số. Khi tiến hành chuyển đổi số, doanh nghiệp cần có hệ thống chuyên gia để tư vấn.
Mặt khác, hỗ trợ, dùng các phương pháp công nghệ, công cụ công nghệ gắn với chuyển đổi số được đánh giá là giải pháp quan trọng nhất giúp chuyển đổi số thành công; Ngoài ra, khi tiến hành chuyển đổi số, hệ thống chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước phải luôn luôn tạo sự hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy các giải pháp chuyển đổi số với năng lực doanh nghiệp, đánh giá xem mình đặt mức độ nào theo tiêu chí đề ra.
Phân tích về thực trạng của chuyển đổi số, TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ ra rằng, các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số vào các vấn đề như bán hàng, quản trị nội bộ, logistics,... Tuy nhiên, việc ứng dụng trong sản xuất thì còn rất yếu, như ứng dụng thiết bị IoT, rô bốt, dây chuyền tự động hoá hay hệ thống điều hành sản xuất nhà máy,...
Theo đó, ông Huân đề xuất, cần cho phép doanh nghiệp truy cập thông tin trên nền tảng các giải pháp kỹ thuật hiện có; tạo thêm cơ hội kết nối kinh doanh với các nhà cung cấp giải pháo lỹ thuật số; hài hoà các quy tắc và quy định về công nghệ số trong khu vực ASEAN.
Đồng thời, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nội bộ doanh nghiệp; minh bạch hoá các quy tắc và quy định về quản lý dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp; hỗ trợ tài chính trong việc ứng dụng công nghệ số; hỗ trợ chuỗi cung ứng linh hoạt, minh bạch hơn; xây dựng các quy tắc, quy định để thúc đẩy việc kinh doanh không dùng giấy tờ.
“Có thể thấy, Covid-19 là cú hích trăm năm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Sẵn sàng thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà, hình thức”, TS. Lương Minh Huân khẳng định.
Về phần mình, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Thông tin & Truyền thông nhấn mạnh, các doanh nghiệp phải quan tâm đến trải nghiệm số hơn chiến lược. Bởi trải nghiệm số cho khách hàng là trụ cột chiến lược để đánh giá khả năng của doanh nghiệp trong việc cung cấp cho khách hàng các trải nghiệm số hấp dẫn đến đâu trên các kênh tương tác trực tuyến ưa thích.
"Để các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số thành công, tất cả các đơn vị bộ phận thuộc doanh nghiệp phải vào cuộc, thống nhất mục tiêu và hoạt động đồng bộ. Chuyển đổi số là tiến về phía trước. Nếu tất cả đều đi về một hướng thì thành công tự sẽ đến", ông Đường khẳng định và cho biết sẽ tiếp tục hợp tác cùng VCCI và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số; đồng thời mong muốn VCCI đưa các chỉ số đánh giá về chuyển đổi số vào tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh nhằm tạo lực đẩy hơn nữa việc chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.