'Đâu là trận cuối' của doanh nghiệp khi TP.HCM trở lại trạng thái bình thường mới?
(DNTO) - Việc TP.HCM nới lỏng một số quy định về giãn cách là một tín hiệu vui, đánh dấu sự quay đầu trở lại phát triển kinh tế của thủ phủ phía Nam sau nhiều tháng chống dịch. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, giải quyết các tàn dư do dịch bệnh để lại là một bài toán khó.
Chỉ thị 18 ban hành hôm qua (30/9), về việc thay đổi các biện pháp chống dịch như một sự cởi trói cho TP.HCM sau giai đoạn khó khăn vừa qua. Mọi người nói vui với nhau, không khí đợi đến lúc hết giãn cách ví như cảm giác ngồi chờ khoảnh khắc giao thừa đêm 30 Tết.
Nhưng đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chịu tác động từ dịch bệnh, hình thái "bình thường mới" tuy giải được các khó khăn về kinh tế, nhưng sẽ tạo nên những bài toán mới.
Đây là những vấn đề nổi cộm được nêu ra trong buổi tọa đàm của Vietnam CEO Forum 2021, do Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) tổ chức với chủ đề số 2: Đâu là trận cuối?
Buổi tọa đàm số 2 có sự tham gia của các diễn giả là chủ các doanh nghiệp đến từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau và ít nhiều đều chịu tác động do đại dịch Covid-19 mang lại suốt nhiều tháng qua. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Holdings, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op, TS Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Rynan Technologies.
Với tinh thần của những doanh nhân dày dạn trên thương trường, các diễn giả bày tỏ quan điểm rằng, nếu xem đại dịch Covid-19 là trận chiến, thì làn sóng dịch vừa qua là trận cuối, nhưng có thể sẽ còn vô vàn trận khác nữa đang đợi những người kinh doanh.
Là lãnh đạo của Saigon Co.op, một trong những chuỗi bán lẻ lớn nhất cả nước với hàng trăm siêu thị và điểm bán, ông Nguyễn Anh Đức cho biết, doanh nghiệp ông đạt được cả những kết quả cả tích cực lẫn tiêu cực sau 4 tháng giãn cách vừa qua.
Theo ông Đức, trong lúc dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, các chợ truyền thống tại TP.HCM gần như không còn, một số ít phải hoạt động co cụm, thì các chuỗi thương mại hiện đại như Saigon Co.op gần như phải gánh lượng nhu cầu khổng lồ từ người dân.
"Tại các quốc gia phát triển, hệ thống thương mại hiện đại chiếm tỉ trọng cao, nên việc cung ứng gần như rất ít trở ngại. Nhưng tại Việt Nam, thương mại hiện đại chỉ chiếm tỉ trọng từ 22-25%, việc phải "chia lửa" với các kênh truyền thống một khối lượng khách khổng lồ là điều vô cùng khó khăn. Chúng tôi phải vận hành "nước rút" suốt nhiều tháng nay, chưa bao giờ tại Saigon Co.op chúng tôi phải giao ban liên tục mỗi ngày như thế".
Ông Đức cũng thừa nhận việc một lượng lớn khách hàng tìm đến trong giai đoạn này sẽ giúp doanh nghiệp của ông tăng được nguồn khách hàng trung thành sau khi đại dịch qua đi, nhưng cũng khiến cho tình hình doanh thu của Saigon Co.op gặp nhiều khó khăn. "Các sản phẩm được người dân mua nhiều thời gian qua là các loại thực phẩm tươi sống, nhưng mặt hàng này lợi nhuận của chúng tôi gần như không có, dẫn đến việc có khoản lỗ nếu duy trì thời gian dài. Nhưng chúng tôi buộc phải hoạt động vì nhu cầu của TP", ông Đức chia sẻ.
Du lịch và hàng không là những ngành nghề được xem là "tâm bão" trong làn sóng dịch thứ tư. Với một doanh nghiệp đang hoạt động trong cả 2 lĩnh vực này như Vietravel, khó khăn dường như được nhân đôi. Chủ tịch Vietravel Holdings, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói vui rằng: Nếu ví ngành du lịch - hàng không như một bệnh nhân của Covid-19, thì ngành này đang thực sự cần chạy ECMO (phương pháp hỗ trợ tuần hoàn cho phổi). Khác với các doanh nghiệp tiêu dùng phải hoạt động hết công suất như Saigon Co.op, doanh nghiệp của ông Nguyễn Quốc Kỳ gần như bất động nhiều tháng nay do dịch bệnh.
Nói về Vietravel trong giai đoạn vừa qua, ông Kỳ dùng từ "kiên nhẫn": "Khi việc kinh doanh phải dừng 100%, chúng tôi phải giải quyết nhiều vấn đề kéo theo, về nội tại, về tác động. Những lúc như thế nếu chán nản, bi quan sẽ rất dễ mắc sai lầm, nên kiên nhẫn là lựa chọn sáng suốt nhất".
"Có thể nói ngành du lịch đang tiệm cận giữa sống và chết, tổn thất về cơ sở vật chất là rất lớn. Chúng tôi hay nói với nhau rằng, mỗi ngày trôi qua là chúng tôi mất một khoản tiền tương đương chiếc xe hạng sang. Covid-19 để lại di chứng là kéo ngành du lịch, hàng không quay lại cả chục năm, và có thể sẽ rất khó để phục hồi.
Đầu tiên là lực lượng lao động bị sứt mẻ, tiếp theo là vật chất. Một chiếc máy bay không phải cứ nói bay là bay được. Máy bay của chúng tôi nằm sân suốt 4 tháng ròng, phải bảo trì, bảo dưỡng để có thể đảm bảo các điều kiện về an toàn mới có thể hoạt động lại được, và các vấn đề này đều đòi hỏi chi phí rất lớn", ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.
Theo đánh giá của Vietravel, để có thể phục hồi hoàn toàn như trước dịch là điều không thể. Hãng bay thực hiện phương án bình thường mới nhưng cũng sống chung với dịch. Để có thể quay lại đường đua, vấn đề rất lớn mà ngành du lịch phải giải quyết được là tâm lý khách hàng, đảm bảo an toàn cho du khách. Trong đó an toàn là vấn đề ưu tiên số một.
"Trước đây ưu tiên là khuyến mãi, là doanh thu, là lợi nhuận, thì nay không còn là điều kiện hàng đầu nữa, mà là an toàn với trách nhiệm lớn nhất là doanh nghiệp và người làm du lịch. Để có thể trở lại, phải đánh giá và lên phương án rất kỹ những điều kiện an toàn phòng chống dịch, nhưng vẫn đảm bảo trải nghiệm cho khách hàng.
Ngay với ngành hàng không, bay trên một chuyến bay giãn cách với tối đa 50% sức chứa thì chắc chắn không hãng bay nào chịu, vì sẽ lỗ, càng bay càng lỗ. Nhưng không bay cũng không được, vì đó là sứ mệnh rồi, đường hàng không là kênh vận chuyển huyết mạch. Phải phục hồi là tất yếu, nhưng trở lại thế nào vừa sức, vừa đảm bảo yêu cầu, là một bài toán khó", ông chủ Vietravel bày tỏ và nhận định, phải đến tháng 6/2024 thì ngành hàng không mới quay trở lại được như giai đoạn 2018-2019, với điều kiện phải được nối lại các đường bay quốc tế.
Đồng tình với người sáng lập Vietravel, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cũng cho rằng, bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn sau thời gian giãn cách là điều khó tránh khỏi, và Saigon Co.op cũng không ngoại lệ. Ông Đức cho biết, khi một lượng lớn khách hàng đổ dồn về cùng một lúc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, và đây là điều mà Saigon Co.op lo ngại hậu giãn cách.
"Chúng ta thường nói về nguy và cơ trong giai đoạn vừa qua, có thể mọi người nhìn vào sẽ nói thời gian qua Saigon Co.op bán được nhiều và thu hút được một lượng lớn khách hàng cho tương lai, đó là tín hiệu tích cực, chúng tôi cũng ghi nhận sự tích cực đó, nhưng nó dẫn đến một số rủi ro cho tương lai. Như tôi đã nói, thời gian qua Saigon Co.op phải chạy với cường độ quá cao khiến chúng tôi có những rủi ro về chất lượng sau giãn cách, đó là minh chứng cho thấy đôi khi số lượng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, ngay cả với ngành bán lẻ", Tổng Giám đốc Saigon Co.op bày tỏ.
Chương trình Vietnam CEO Forum 2021 được Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức trong một bối cảnh đặc biệt, khi TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Đây cũng là lần đầu tiên chương trình được tổ chức trên nền tảng trực tuyến kể từ 2012 với 3 buổi Open Talk với các chủ đề khác nhau qua sự thảo luận của các chuyên gia, lãnh đạo kỳ cựu.