Liệu đây là cơn bão hay chỉ là cơn gió thoáng qua?
(DNTO) - Đây là một câu hỏi lớn được đặt ra làm chủ đề thảo luận cho cuộc trò chuyện mở của những doanh nhân trẻ, trong khuôn khổ chương trình Vietnam CEO Forum 2021 phiên bản đặc biệt.
27 năm thành lập YBA - Kết nối và Tiếp nối
Chương trình Vietnam CEO Forum được Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức trong một bối cảnh đặc biệt, khi TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Đây cũng là lần đầu tiên chương trình được tổ chức trên nền tảng trực tuyến kể từ 2012.
Vietnam CEO Forum cũng là dịp kỷ niệm 27 năm thành lập Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (YBA). Phát biểu khai mạc chương trình, ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch YBA đương nhiệm đã cùng các thành viên Hội nhìn lại quá trình hoạt động và thành quả mà YBA đã đạt được trong 27 năm qua. Trong các đợt bùng phát dịch vừa qua, YBa với tinh thần của các doanh nhân trẻ cũng đồng hành cùng TP.HCM trong giai đoạn cấp bách, là tổ chức năng nổ thực hiện các hoạt động xã hội, cùng thành phố chống dịch. Thời gian qua, YBA cũng vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất với những thành quả, cống hiến của Hội.
Ông Phạm Phú Trường chia sẻ: "27 năm tuy là khá dài với một đời người nhưng rất ngắn đối với một nền kinh tế. Chúng tôi đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ và sẽ tiếp tục làm sao để phát triển hơn nữa sự phát triển phồn vinh của TP.HCM và cả nước. Với tinh thần '27 năm - hành trình kết nối và tiếp nối', chúng tôi cũng xin gửi lời tri ân đến các doanh nhân đi trước, những lá cờ đầu trong phong trào doanh nhân trẻ đã tạo nên ngọn lửa hun đúc cho tinh thần của các thế hệ doanh nhân tương lai".
"Cơn bão" cấp mấy?
Vietnam CEO Forum 2021 cũng tạo nên một giá trị mới mẻ khi lần đầu tiên ra mắt một phiên bản đặc biệt mang tên Open Talk, đây là một chuỗi 3 chương trình tọa đàm với chủ đề "Cơn bão" cấp mấy? là thông điệp đầu tiên được đưa ra.
Theo bà Trương Lý Hoàng Phi, Phó Chủ tịch YBA, Open Talk đúng như tên gọi, là một cuộc tranh luận, trò chuyện "mở" với sự tương tác từ các diễn giả đối với người xem, nhằm mục đích đi sâu vào gốc rễ để giải quyết những vấn đề của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Trong buổi thảo luận chủ đề "Cơn bão" cấp mấy?", có sự tham gia của ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc đầu tư Dragon Capital; ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT U&I Group; ông Albert Antoine, CEO Avaiga cùng sự điều hành phiên thảo luận của bà Trương Lý Hoàng Phi, Phó Chủ tịch YBA và ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch YBA.
Định hình cuộc khủng hoảng kinh tế, gián đoạn chuỗi cung ứng thời gian qua là một cơn bão, buổi tọa đàm đã đặt ra một câu hỏi lớn đối với các diễn giả, liệu đây có phải là một cơn bão? Và là cơn bão cấp mấy?
Các diễn giả đã lần lượt đưa ra bức tranh toàn cảnh về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 với những góc nhìn đa chiều và sự tác động đối với nền kinh tế cũng như tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, mặc dù đã gặp không ít khó khăn, nhưng các diễn giả đã mở ra một góc nhìn tích cực hơn trong giai đoạn hiện tại, trong bối cảnh dịch bệnh có vẻ đã ổn định và TP.HCM cũng như các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang dần "mở cửa".
Đưa ra những con số thống kê thực tiễn, ông Lê Anh Tuấn cho rằng: "Chúng ta đang chuyển dần từ chiến lược "zero Covid" sang sống chung với dịch, và nếu như mọi việc thuận lợi, đến cuối quý I/2022, khoảng 65-70% dân số cả nước sẽ được tiêm mũi 1, một số hoạt động kinh tế sẽ trở lại hoạt động từ tháng 10 năm nay đến hết năm. Một số khía cạnh kinh tế của chúng ta hiện nay vẫn đang khá tích cực như mức độ lạm phát được giữ ổn định và tôi dự báo mức tăng trưởng kinh tế của chúng ta năm nay vẫn rất triển vọng, vào khoảng từ 9-10%".
Người lao động khó quay lại sau dịch, chuyển đổi số sẽ là cứu cánh
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT U&I Group nhìn nhận rằng, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã chuẩn bị rất tốt để ứng phó, tuy nhiên vẫn còn phần nhiều doanh nghiệp chủ quan sau các đợt khống chế dịch thành công, điều này dẫn đến sự không chuẩn bị tốt và hậu quả là ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
"Tôi cho rằng nền kinh tế sẽ có khả năng phục hồi được khoảng 70% vào cuối năm sau. Nhưng phải nhìn nhận rõ rằng xu thế lao động đang có sự chuyển biến và thay đổi. Vừa qua đã có những làn sóng người lao động rời TP để về quê tránh dịch, và có thể tỉ lệ họ trở lại rất khó đạt được như kỳ vọng của các doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp ngay thời điểm này không lường trước được điều đó và có những kế hoạch thay đổi thì sẽ rất khó để có thể phục hồi được như trước dịch", ông Tín nhận định.
Đồng quan điểm trên, ông Albert Antoine cho rằng việc chuyển đổi số là một trong những việc cần thiết phải thay đổi để khắc phục bài toán người lao động, tuy nhiên theo ông, việc này chưa được chú trọng nhiều ở các doanh nghiệp. "Thời gian qua, chúng ta nói nhiều về việc "có nên chuyển đổi số hay không?" thì các quốc gia khác trên thế giới đang đặt vấn đề "nên tăng tốc chuyển đổi số thế nào?". Chúng ta cũng đang tăng tốc, nhưng chỉ ở giai đoạn bắt đầu", ông Albert chia sẻ.
Các diễn giả cũng đã nêu ra một số vấn đề lớn ảnh hưởng đến việc chuyển đổi số hiện nay, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đầu tiên là chi phí lao động Việt Nam còn thấp, tiếp theo là chi phí vốn cao. Đây là 2 tác nhân gây nên tình trạng chủ doanh nghiệp cân đo đong đếm và rất dè dặt trong việc đầu tư cho công nghệ số hóa doanh nghiệp. "Đây là lúc phải đầu tư ngay vào chuyển đổi số nếu muốn giữ nhịp sản xuất và tiếp cận gần hơn với nền kinh tế thế giới", ông Mai Hữu Tín khẳng định.
Việt Nam đã rất khác so với cuộc khủng hoảng 2008
Ông Lê Trí Thông, CEO của PNJ, đặt ra vấn đề: "Liệu cơn khủng hoảng dịch bệnh hiện nay có lặp lại cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008 hay không? Vì thời điểm đó, ngay cả khi cơn bão của thế giới đi qua thì vài năm sau đó Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng".
Các diễn giả đều cho rằng cơn khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 không thể dùng để làm mốc cho sự so sánh với tình hình dịch bệnh hiện nay. Lãnh đạo Dragon Capital, ông Lê Anh Tuấn cho rằng tình hình Việt Nam hiện nay đã rất khác so với 10 năm trước. "Tiềm lực tài chính, sức khỏe doanh nghiệp, sức chịu đựng của chúng ta đã tăng lên rất nhiều so với lúc cuộc khủng hoảng 2008 nổ ra. Có một điều thú vị là giai đoạn năm 2005-2006, Việt Nam rất "liều", đầu tư giai đoạn này rất lớn và khi cuộc khủng hoảng xảy ra, chúng ta trở tay không kịp. Nhưng hiện nay, tiềm lực kinh tế Việt Nam đã tăng hơn rất nhiều nhưng chúng ta lại "nhát" khi đầu tư", ông Tuấn nhìn nhận.
Việt Nam vẫn sẽ là điểm trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu bất chấp đại dịch, đây là nhận xét của ông Mai Hữu Tín. "Quay lại vấn đề liệu Covid-19 có phải là cơn bão hay không? Chúng ta phải hiểu rằng dịch bệnh không xảy đến thường xuyên, và đến rồi sẽ đi, đây chỉ như một cơn gió thoảng qua trên con đường kinh doanh, vì thế phải giữ cho mình tâm thế bình tĩnh để vượt qua nó", ông Tín nêu quan điểm.
"Chúng ta mãi lăn tăn rằng khách hàng quốc tế sẽ quay đầu với Việt Nam, nhưng hãy cùng nhìn lại nếu rời Việt Nam, họ sẽ đi đâu? Sẽ trở lại Trung Quốc hay không? Mặc dù Trung Quốc nổi lên như một điểm sáng giữa đại dịch khi khống chế dịch bệnh thành công, nhưng các cuộc điều tra kinh tế đối với các tập đoàn lớn của quốc gia này sẽ khiến Trung Quốc không phải là lựa chọn khôn ngoan. Hãy cứ tự tin rằng Việt Nam đã, đang và sẽ là thị trường tốt nhất thay thế Trung Quốc tại châu Á về xây dựng chuỗi cung ứng, và các doanh nghiệp sẽ không dễ dàng rời bỏ Việt Nam lúc này", Chủ tịch HĐQT U&I Group đánh giá.
Trong chương trình, Ban tổ chức đã tiến hành một cuộc khảo sát đối với gần 500 doanh nghiệp tham gia đánh giá về tình hình hiện tại của doanh nghiệp mình. Theo đó có khoảng 70% nhìn nhận những tác động của "cơn bão" Covid-19 dừng lại ở mức độ trung bình và có cơ hội để các doanh nghiệp phục hồi trong khoảng 1 năm. Và chỉ 4% trong số đó đánh giá đây là cơn "siêu bão" có thể đánh sập doanh nghiệp.