Cuộc đua 'tam mã' của ngành viễn thông trước 5G
(DNTO) - 3 “anh lớn” ngành viễn thông nội địa là Viettel, VNPT và MobiFone đang dồn lực triển khai hạ tầng 5G với những tính toán thận trọng và có chọn lọc.
Cẩn trọng dò đường
Trong 300 nhà mạng cung cấp dịch vụ 5G trên thế giới hiện nay, Việt Nam đang góp mặt 3 đại diện lớn: Viettel, VNPT và MobiFone.
Cụ thể giữa tháng 10 vừa qua, Viettel đã chính thức khai trương mạng 5G. Các nhà mạng khác cũng đang rất khẩn trương thúc đẩy triển khai thương mại hóa 5G để mở đường cho việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, điện toán đám mây...
Chia sẻ tại talkshow “Công nghệ mới 5G - Cơ hội tăng trưởng đột phá cho doanh nghiệp” hôm 11/11, ông Trần Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm SI, Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, cho biết trước khi khai trương mạng 5G, Viettel đã nghiên cứu rất kĩ case study (tình huống thực tế) của thế giới.
Ông cho biết ấn tượng với cách làm của Trung Quốc khi họ coi việc phát triển 5G là chiến lược quốc gia, để tạo ra những chương trình hỗ trợ cho cả các nhà mạng và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.
Ở Trung Quốc hiện nay, các ứng dụng thông minh đã phổ biến tại 74/97 hạng mục chính của nền kinh tế, số lượng dự án triển khai liên quan đến 5G lên tới con số 5.000. Các nhà máy khi có 5G để ứng dụng AI đã tăng suất 25-30%, giảm chi phí 15%, giảm 80% sản phẩm lỗi, thời gian bảo trì máy móc và dây chuyển giảm 30%.
Tuy vậy, tại Việt Nam, nhà mạng này sẽ tập trung phủ sóng 5G cho khu vực đông dân cư, còn nhà máy, doanh nghiệp hiện tại vẫn chưa thể đáp ứng. Bởi để ứng dụng 5G cho doanh nghiệp, nhà mạng này cần xây giải pháp mạng riêng, trạm và mạng 5G phải độc lập.
“Thực tế, 5G là hình thức kết nối mới bổ trợ chứ không thay thế hệ thống mạng đã có. Cho nên doanh nghiệp đầu tư phải hướng tới mục tiêu chuyển đổi số, chuyển đổi sản xuất chứ không phải mục tiêu sử dụng 5G. Vì vậy, chúng tôi cũng sẽ tập trung vào lớp bên trên, còn 5G chỉ là mảnh ghép để giải quyết các công việc mà những công nghệ cũ không thể thực hiện được”, đại diện Viettel nói.
Thận trọng và tính toán kĩ lưỡng cũng là hướng đi của VNPT với 5G. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Truyền thông VNPT cho biết tập đoàn này đã nghiên cứu kinh nghiệm từ các tập đoàn lớn của Nhật Bản như NTT, Rakuten trong phát triển 5G để xác định đâu là thứ mà mình cần tập trung. Bởi 5G có rất nhiều lợi thế nhưng tại Việt Nam nên ứng dụng như thế nào vẫn là bài toán cần giải?
“Mặc dù chiến lược quốc gia phải phát triển hạ tầng số nhưng tính hiệu quả là yếu tố quan trọng. Ngày nay vòng đời của sản phẩm rất nhanh. Nếu lựa chọn sai, chúng ta sẽ đi vào cái bẫy rất lớn, gây hậu quả khá nghiêm trọng cho doanh nghiệp chúng tôi”, ông Nghĩa nói.
Sở dĩ các doanh nghiệp viễn thông ở Việt Nam thận trọng với 5G là có lý do. Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số, Tổng công ty Viễn thông MobiFone lý giải do hiện nay vẫn là giai đoạn “bình minh” của 5G nên giai đoạn đầu vẫn tập trung vào việc truyền tải dữ liệu, hướng đến khách hàng cá nhân nhiều hơn. Còn để ứng dụng 5G trong phát triển công nghệ cao vào nhiều ngành, lĩnh vực khác, trước hết Việt Nam phải hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
“Ví dụ muốn làm thành phố thông minh thì thành phố đó phải có đủ hạ tầng cơ bản trước”, ông Huy ví dụ.
Những khoản đầu tư có chọn lọc
Để tận dụng làn sóng 5G, đại diện Viettel cho biết họ đã nghiên cứu trọng điểm chương trình chuyển đổi số quốc gia và chọn ra 7 ngành, lĩnh vực sẽ tập trung: sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, đô thị thông minh, logistic, giáo dục, y tế với hơn 130 giải pháp.
Vị này cho rằng bản chất của quá trình này vẫn là xây dựng bài toán chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Nếu không triển khai 5G thì họ vẫn phải triển khai hệ thống mạng có dây hoặc wifi. Khi xem lại chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành thường xuyên, cơ bản 5G không đắt hơn các giải pháp cũ.
“Chúng tôi đang làm việc với các đối tác, sẵn sàng về mặt giải pháp, chỉ cần doanh nghiệp có nhu cầu, chúng tôi ngay lập tức có thể đáp ứng. Việc triển khai B2B là hình thức dự án, không phải là sản phẩm đóng gói sẵn. Bởi chúng tôi phải khảo sát rất kĩ nhu cầu khách hàng để thiết kế, ngay cả phần kết nối thôi chúng ta cũng phải thiết kế và xây dựng riêng theo nhu cầu của khách hàng, ông Ngọc nói.
Phía MobiFone vẫn tự nhận thế mạnh lớn nhất là một nhà mạng truyền thống chuyển đổi sang công ty công nghệ, nên sẽ mở cửa cho nhiều đối tác.
Theo ông Nguyễn Tuấn Huy, xu hướng chuyển đổi số hiện nay là các tổ chức sẽ thuê thay các giải pháp công nghệ thông tin thay vì mua đứt để giảm thiểu rủi ro và chi phí. Bên cạnh đó, các giải pháp công nghệ hiện nay đều phát triển trên đám mây nên các tổ chức giờ đây không cần phải có nhân sự chuyên trách về công nghệ thông tin.
“Để tiếp cận khách hàng thì đa phần 1-2 năm đầu, các công ty cung cấp giải pháp công nghệ thông tin sẽ cho khách hàng dùng thử miễn phí, sau khi quen rồi, số lượng người dùng lớn lên thì sẽ thu tiền theo tháng”, ông Huy chia sẻ về chiến lược tiếp cận của MobiFone.
Còn VNPT cho biết đang có cách đi riêng với 5G. Không chỉ giống như các nhà mạng khác là phát triển các trạm phát sóng, hệ thống mạng lõi cho 5G, VNPT đang tận dụng hệ sinh thái sản phẩm của mình để đẩy nhanh hạ tầng này.
Tập đoàn thiết lập trung tâm nghiên cứu về VR (thực tế ảo), AR (thực tế ảo tăng cường) và nói rằng đây là mục tiêu đã có từ 5 năm trước, bởi tại những điều kiện khó khăn, công nghệ AR, VR nếu có 5G sẽ hỗ trợ đắc lực cho con người.
“Ví dụ thay vì chúng tôi phải đào tạo hoặc thuê 100 kĩ sư có trình độ giống nhau thì chúng tôi chỉ cần vài kĩ sư hiện trường. Chúng tôi đã áp dụng cho lĩnh vực cảng biển, thay vì cần một người kĩ sư rất giỏi ra hiện trường tìm lỗi thì với công nghệ AR, VR, chỉ cần 1 người có thiết bị kết nối 5G thay mặt chuyên gia làm việc từ xa”, đại diện VNPT cho biết.