Công nghiệp chế biến chế tạo ‘chậm lớn’

(DNTO) - Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam hiện chiếm 25,6% GDP, còn thấp so với quá trình công nghiệp hóa của các nước, thường ở mức 30%. Muốn tăng tỷ trọng này, không chỉ đơn thuần dựa vào vốn đầu tư.

Việt Nam đạt mục tiêu năm 2020 có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng bị lỡ nhịp. Ảnh: T.L.
Lỡ nhịp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Năm 2022, tỷ trọng giá trị tăng thêm của công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 25,6% GDP, tương đương quy mô đạt 2,43 triệu tỷ đồng, cao hơn 2,09 triệu tỷ đồng so với năm 2021.
Chia sẻ trong tọa đàm xây dựng ngành công nghiệp Việt Nam thích ứng trong thời kì mới, hôm 20/6, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cho biết trong thời gian dài, công nghiệp chế biến chế tạo chỉ chiếm 12-13% GDP. Trong thời gian gần đây, với tốc độ tăng trưởng 9-10%/năm, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP cũng tăng cao.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến chế tạo không phải là thấp, ít nhất là trước đại dịch. Nhưng nếu xét cả thời kì dài của nền kinh tế, so sánh với quá trình công nghiệp hóa của nhiều nước trong quá trình công nghiệp hóa của họ, thường phải khoảng trên dưới 30% GDP, thì con số này là thấp.
Theo ông Thành, khi nói về đóng góp GDP, tức giá trị gia tăng của ngành tạo ra, được tính bằng sản lượng tạo ra trừ đi trung gian đầu vào (nguyên vật liệu, phụ kiện, linh kiện…). Bởi muốn nâng cao giá trị gia tăng, khoảng cách giữa sản lượng và trung gian đầu vào phải lớn. Nhưng trong rất nhiều năm, khoảng cách này hẹp lại. Chính vì vậy, trong Nghị quyết 59 về tiếp tục công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có kết luận rất quan trọng: Việt Nam chưa thành công trong mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020, nên mục tiêu phải rời sang 2030.
“Muốn duy trì tốc độ tăng tưởng 9-10%, chủ yếu dựa vào đầu tư và sản lượng. Tuy nhiên, về nguyên tắc, việc dựa vào vốn hiệu ứng sẽ giảm dần, nên vấn đề nội tại về công nghệ, quản trị, đầu tư và lan tỏa phải chú trọng. Đó là 2 điểm ngành công nghiệp chế biến chế tạo vấp phải”, ông Thành nói.
Đồng tình với quan điểm ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam còn yếu, ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Công ty Cơ khí Hà Nội, cho biết trước đây, nhờ có chính sách hỗ trợ nên ngành cơ khí có cơ hội tham gia các công trình trọng điểm. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, dường như không đạt được hiệu quả như mong muốn.
“So sánh với các nước trong khu vực, công nghiệp Việt Nam thiết bị lạc hậu hơn, công nghệ cũng chậm đổi mới hơn. Tính cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng mất dần”, ông Nam cho hay.
Khó thu hút đầu tư vì chi phí lớn, lợi nhuận mỏng

Việt Nam còn phải gỡ rất nhiều về chính sách để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công nghiệp chế biến chế tạo phát triển. Ảnh: T.L.
Ông Lương Đức Toàn, Phó Trưởng phòng Phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thừa nhận thời gian qua, hệ thống chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Một số chính sách ban hành còn chậm, khi đưa vào thực tế tính khả thi chưa cao. Chính sách kinh tế vĩ mô chưa điều tiết nguồn lực quốc gia cho phát triển công nghiệp, chưa khuyến khích được sự quan tâm của xã hội đầu tư cho sản xuất công nghiệp.
“Ví dụ ngành cơ khí vốn đầu tư rất lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, biên độ lợi nhuận kém hơn các lĩnh vực khác như bất động sản hay tài chính. Vì vậy, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp khó hơn”, ông Toàn nói.
Trong khi đó, năng lực nội tại của doanh nghiệp công nghiệp còn yếu, thiếu nhân lực chất lượng cao, trình độ công nghệ hạn chế. Ông Toàn nhận định, đa số doanh nghiệp Việt Nam còn đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với sự tiếp cận còn thấp với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh.
Trước câu hỏi việc phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu có làm giảm sức cạnh tranh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho rằng không hoàn toàn là như vậy. Bởi tính liên kết toàn cầu đã được xây dựng từ khi ngành này ra đời. Các quốc gia phải nhập khẩu nguyên liệu là chuyện bình thường. Vì vậy, quan điểm là phải xem Việt Nam có lợi thế cạnh tranh gì hoặc chuyển đổi những ưu điểm thành lợi thế cạnh tranh.
“Không nên có quan điểm là cái gì ta cũng sản xuất, nên câu chuyện giá trị gia tăng nội địa còn thấp so với khu vực cũng nên xem xét lại, vì trong 10 năm trở lại đây ngành đã tăng trưởng khả quan. Ví dụ ngành công nghiệp điện tử, chiếm giá trị xuất khẩu trên 30% của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong 5 năm trở lại đây, luôn là ngành xuất khẩu dẫn đầu”, bà Hương cho biết.
Theo vị này, mặc dù chính sách của Việt Nam so với các nước trong khu vực là khá đầy đủ, nhưng tính thực thi và thời điểm thực thi chưa phù hợp. Doanh nghiệp Việt đang phải chịu khá nhiều chi phí hành chính, quản lý nhiều hơn so với các nước trong khu vực, làm giảm tính cạnh tranh.
“Trong vòng 6-8 tháng trở lại đây, thay đổi quy định về phòng cháy chữa cháy “bó” cho doanh nghiệp rất nhiều, nhưng giờ vẫn chưa cởi trói được. Đến sáng nay, tôi vẫn nhận được các yêu cầu kêu cứu của doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ tăng thêm chi phí từ 180-300 triệu đồng trong hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy, mà sau đó lại điều chỉnh và sửa tiếp. Thời dịch có những đường dây nóng xử lý tình hình từng ngày, từng giờ, hiện tại cần duy trì việc xử lý theo tính nóng như vậy thì mới bắt kịp được”, bà Hương nêu quan điểm.
Đại diện Bộ Công thương cho biết đang đẩy nhanh hoàn thiện dự án Luật Phát triển công nghiệp, nhằm tạo hành lang pháp lý phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, công nghiệp ưu tiên, giải phóng các nguồn lực xã hội cho phát triển công nghiệp, thương mại. Bộ Công Thương đã đặt mục tiêu giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030.