Công nghệ 5G đóng vai trò gì trong quá trình chuyển đổi số?
(DNTO) - Công nghệ 5G hay mạng thông tin di động thế hệ thứ 5, hiện đang là một trong những xu hướng công nghệ phổ biến nhất trong thời gian gần đây. Đây cũng là mạng thông tin di động mới nhất đang được triển khai thương mại ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Từ các nguồn dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) và truyền thông 5G, kinh tế số đang ngày càng trở nên quan trọng, là yếu tố then chốt cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA), tính đến cuối tháng 6/2022, đã có 496 nhà khai thác tại 150 quốc gia/vùng lãnh thổ đang đầu tư vào mạng 5G, thông qua các cuộc thử nghiệm hay lên kế hoạch hoặc đã triển khai trong thực tế, trong đó có 218 nhà khai thác tại 87 quốc gia/vùng lãnh thổ đã triển khai các dịch vụ thương mại 5G tương thích với tiêu chuẩn 3GPP thông qua các mạng di động công cộng hoặc truy cập vô tuyến cố định.
Theo Báo cáo kinh tế di động 2022 (The Mobile Economy 2022) của Hiệp hội các nhà khai thác thông tin di động toàn cầu (GSMA) công bố tháng 2/2022 cũng cho thấy, việc áp dụng 5G tiếp tục phát triển một cách nhanh chóng ở các thị trường tiên phong, kết nối 5G tiếp tục tăng lên và sẽ đạt 1 tỷ kết nối trên toàn cầu trong năm 2022.
Phải nói rằng, công nghệ 5G đang và sẽ mang lại cho người dùng các trải nghiệm dịch vụ tốc độ siêu nhanh, gấp hàng chục lần so với tốc độ mạng 4G hiện tại; độ trễ cực thấp (khoảng 1mili-giây) và cung cấp số lượng kết nối lớn, có thể kết nối tới 1 triệu thiết bị trên mỗi km2. Với những ưu điểm vượt trội, 5G cho phép trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp nhận và xử lý được nhiều thông tin hơn trong cùng một thời điểm. Điều này sẽ giúp hoàn thiện hệ thống sản xuất tự động hoá với độ chính xác và năng suất cao hơn.
Việt Nam và sứ mệnh phát triển hệ sinh thái 5G
Tối 26/8 tại Hà Nội, Qualcomm Technologies và Samsung đã tổ chức sự kiện "Thúc đẩy kết nối: phát triển hệ sinh thái 5G tại Việt Nam".
Phát triển hệ sinh thái 5G sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số theo mục tiêu mà Chính phủ đặt ra. Theo đó, các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã quy tụ tại Hà Nội cùng các đối tác và các bên liên quan để thúc đẩy cho mục tiêu chung là phát triển một hệ sinh thái di động 5G tại Việt Nam, hưởng ứng nỗ lực chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam.
Với tiêu đề “Thúc đẩy kết nối: Phát triển Hệ sinh thái 5G tại Việt Nam”, sự kiện đã nhấn mạnh nhu cầu hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan để chung tay đạt được mục tiêu đề ra. Hội thảo cũng là nơi để đại diện các bên liên quan chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của mình về cách mở rộng quy mô 5G trong nước.
Việt Nam với tầm nhìn “Cơ sở hạ tầng và dịch vụ 5G là hạ tầng viễn thông quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, đã đưa ra những mục tiêu cụ thể: đến năm 2025, nền kinh tế số chiếm 20% GDP; Phủ sóng băng rộng cáp quang đến 80% hộ gia đình; Dịch vụ 5G và điện thoại thông minh trở thành phổ biến; Thanh toán điện tử chiếm hơn 50%..
Cùng với xu thế trên thế giới, trong 2 năm vừa qua, các doanh nghiệp di động Việt Nam đã triển khai thử nghiệm 5G trên 40 tỉnh/thành phố để đánh giá về mặt kỹ thuật và phương án kinh doanh.
Đặc biệt trong năm 2022, hạ tầng cáp quang được triển khai tới 100% các thôn, bản. Đây là hạ tầng truyền dẫn quan trọng để triển khai nhanh mạng 5G. Đồng thời khuôn khổ pháp luật liên quan đến chất lượng dịch vụ phổ tần số hiện cũng đang khẩn trương được hoàn thiện.
Ngoài những tiêu chí trên, hội thảo cũng đánh dấu những cột mốc quan trọng và tầm nhìn triển vọng trong tương lai khi ứng dụng mạng truyền thông 5G được sử dụng phổ biến. Qualcomm và Samsung tin rằng sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa tất cả các bên liên quan sẽ hỗ trợ thúc đẩy 5G khắp trên cả nước.