Chuyên gia: Không nên lập luận là ‘thu nhập thấp nên giá điện thấp’
(DNTO) - Theo chuyên gia, chi phí đầu vào cao nên không thể để giá điện thấp vì sẽ không khuyến khích được đầu tư, đổi mới công nghệ, mà còn kích thích tiêu dùng điện tốn kém.
Không thể tiếp tục mua cao, bán thấp
Trong tọa đàm về "Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp" hôm 31/10, các chuyên gia cho biết giá điện Việt Nam hiện nay vẫn mang màu sắc "bao cấp", tức vẫn giữ mức giá Nhà nước quy định. Mục đích là hỗ trợ cho lực lượng yếu thế.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, việc giữ giá điện thấp đã trả giá bằng việc thị trường mất cân bằng, đặc biệt là bên sản xuất như EVN và nhiều doanh nghiệp điện bị lỗ rất nặng. Vì vậy, nếu tiếp tục duy trì giá điện thấp như hiện nay sẽ tạo ra “bẫy” công nghệ, tức chỉ nhắm đến những nhà đầu tư công nghệ lạc hậu, tiêu dùng điện tốn kém sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế chung. Vì vậy không thể đầu vào cao mà vẫn để giá điện thấp.
“Sự chênh lệch này dẫn đến ngành điện (tức phía cung) không thể đầu tư sản xuất được, thực tế này diễn ra ở Việt Nam bao nhiêu năm nay, rất khổ sở. Chúng ta bàn đến giá điện chủ yếu là bàn đến việc làm sao phải tăng nguồn cung lên, cho đến bây giờ chỉ mới giải quyết theo hướng có giá FIT cho năng lượng tái tạo”, ông Thiên nói.
Ông Nguyễn Tiến Thoả, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho biết các lần điều chỉnh giá điện vừa qua đều không bảo đảm được nguyên tắc bù đắp cho chi phí sản xuất và có lợi nhuận cho sản xuất kinh doanh điện. Nhưng vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hay có năm hỗ trợ dịch bệnh, thiên tai... đã không tính đủ giá thành điện.
Như năm ngoái, giá thành tăng 9,27% nhưng giá điện chỉ điều chỉnh tăng 3%. Điều này gây khó khăn cho dòng tiền để tiếp tục đầu tư kinh doanh, chưa nói đến tái sản xuất, nhà đầu tư không mặn mà đầu tư xây dựng hệ thống phát, truyền tải.
“Giá điện thấp, nói là tốt cho sản xuất, kinh doanh, tốt cho đời sống nhưng vấn đề là khi đầu vào không thực, sản phẩm đầu ra không phản ánh đúng giá trị thị trường. Tôi nghĩ đã đến lúc phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện làm sao bảo đảm được nguyên tắc mà chúng ta đã đề ra”, ông Thoả nói.
TS. Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng, cho biết khi hòa nhập với thị trường năng lượng thế giới thì phải chấp nhận chuyện cung cầu năng lượng, giá cả biến động trên thế giới. Do đó chi phí đầu vào sản xuất điện của ta cũng sẽ thay đổi rất lớn.
Tách bạch giữa kiểu bao cấp và thị trường
Theo PGS Trần Đình Thiên, giá điện Việt Nam hiện nay đang cân bằng với thu nhập của người dân. Tuy nhiên, đây không phải luận cứ để làm chính sách vì nguyên tắc là nguyên lý thị trường phải là nguyên lý chi phối, dẫn dắt, chứ không phải là nguyên lý bao cấp. Không nên lập luận là "thu nhập thấp nên giá điện thấp" mà phải lập luận ở mức tổng thể hơn đó là "giá điện phải đúng để đảm bảo cân bằng sản xuất và tiêu dùng".
“Nếu giá điện thấp lại khuyến khích tiêu dùng nhiều, lãng phí, trong khi không khuyến khích đầu tư sản xuất điện. Lúc đó, quy luật của thị trường sẽ phát huy tác dụng đó là muốn tiêu dùng theo giá điện thấp, sẽ không có điện dùng. Vì vậy cần tách bạch rõ ràng giữa giá điện thị trường và hỗ trợ cho nhóm xã hội có thu nhập thấp. Khi đó EVN và các đơn vị sản xuất điện không phải gánh lỗ và có nguy cơ phá sản như hiện nay”, ông Thiên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tiến Thoả cho biết giá điện hiện nay đang được xử lý đa mục tiêu. Nếu xét về thu nhập, cần làm rõ xem hiện nay chi phí điện chiếm bao nhiêu % trong tổng thu nhập? Với những đối tượng yếu thế, Nhà nước có thể xem xét cách hỗ trợ khác ngoài tiền điện để mọi người dân đều được sử dụng điện.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết phải phân định giữa giá điện nói chung và các chính sách hỗ trợ khác, không thể nhập vào làm một. Bởi nếu lẫn lộn, một bên sẽ được lợi, một bên vô hình chung sẽ thiệt hại.
“Ví dụ nếu giá điện được tính đúng, tính đủ thực tế nguyên liệu đầu vào, cơ cấu ngành điện… thì có thể quá cao với nhóm đối tượng này và trung bình với nhóm đối tượng khác. Vì vậy, đầu tiên phải biết được chính xác giá điện thực tế để suy ra liệu có cơ chế, chính sách nào khác thúc đẩy sự cạnh tranh”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, chính sách để đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên cần tập trung vào 3 điểm:
Về sản xuất điện, cần giảm bớt sự độc quyền trong sản xuất và tăng sự cạnh tranh. Ngoài chi phí sản xuất bình thường, vị này cho biết những rào cản về thủ tục hành chính hiện đang hạn chế việc gia nhập thị trường của nhiều nhà đầu tư. Như vậy sẽ giảm tính cạnh tranh và xu thế độc quyền tăng lên, gia tăng các chi phí khác cộng vào giá điện.
Về phân phối điện, phải tăng sự cạnh tranh trong phân phối để người tiêu dung có thêm nhiều sự lựa chọn.
Về sử dụng điện, các chính sách phải hướng tới thúc đẩy tiêu dùng tiết kiệm điện, sử dụng trang thiết bị, công nghệ tiêu thụ ít nhiên liệu…