Chuyên gia: Có thể chỉ vài năm tới những chiếc bàn, chiếc ghế cũng gắn chip
(DNTO) - Theo chuyên gia, khi 5G bùng nổ thì các thiết bị công nghệ ứng trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật cũng bùng nổ, con chip vì thế sẽ có mặt trong rất nhiều sản phẩm thông dụng của đời sống.
Tại Talkshow “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu” hôm 28/10, ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor, cho biết số lượng chip trên thế giới mỗi ngày một nhiều. Một thống kê dự đoán số lượng chip trên thế giới sẽ tăng gần gấp đôi mỗi năm sau khi hệ thống 5G triển khai trên toàn cầu.
Bởi khi 5G phát triển trên toàn thế giới thì các thiết bị internet vạn vật (IoT), các thiết bị điện thoại thông minh và rất nhiều thứ khác sẽ bùng nổ. Những thiết bị nhỏ như con chip sẽ được ứng dụng vào rất nhiều sản phẩm khác nhau trong cuộc sống.
“Chỉ vài năm nữa ngay cả những thiết bị thuần cơ khí, không liên quan đến điện tử, ví dụ như chiếc bàn, chiếc ghế cũng có thể sẽ gắn chip”, ông Quang nói.
Xu hướng sản xuất chip bùng nổ là điều tất yếu. Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Bích Yến, Chuyên gia cao cấp Tập đoàn Soitec (Pháp), ngành bán dẫn cũng đang có sự chuyển hướng. Bởi bóng bán dẫn ngày càng đắt đỏ và việc chạy đua sản xuất các loại chip siêu nhỏ ngày càng khó khăn.
Theo kinh nghiệm bà Yến, ngành bán dẫn sẽ đi về phần đóng gói (Advance packaging). Đây là kỹ thuật ghép nhiều con chip với nhau thành một thiết bị đơn lẻ để nâng cao hiệu năng của chúng. Cơ hội không chỉ ở trong lĩnh vực đóng gói mà nó còn hỗ trợ cho thiết kế, khi thiết kế chiplet (kết hợp nhiều chip nhỏ) dễ dàng hơn thiết kế SoC (hệ thống trên chip – mạch tích hợp các thành phần của hệ thống điện tử). Đây là một ngạch mà Việt Nam có thể nghiên cứu và đón đầu.
“Ban đầu nên bắt đầu ở việc cung cấp nhân lực cho các công ty đóng gói và cung cấp một số hạ tầng kĩ thật cho họ. Trong đường dài, nếu phát triển phòng thí nghiệm, đào tạo cho các trường đại học, có phần mềm thiết kế chiplet có thể đón đầu và bắt được ngọn gió trên cao”, bà Yến khuyến nghị.
Đồng tình với quan điểm của chuyên gia từ Soitec, ông Quang phân tích, thông thường sau mỗi năm, kích thước vòng bán dẫn sẽ giảm đi một nửa. Hiện nay, các con chip đã đạt tới kích thước 3nm, một kích thước rất nhỏ. Vì vậy xu hướng sản xuất chip sẽ không còn theo định luật chạy đua giảm kích thước như vậy nữa.
Khi thị trường bán dẫn dịch chuyển sang đóng gói và kiểm thử và đây là cơ hội cho Việt Nam bởi đây là phân khúc dễ dàng hơn phần sản xuất.
“Nếu sản xuất wafer (tấm bán dẫn silicon) mất rất nhiều thời gian vì đòi hỏi phải có hệ sinh thái xung quanh hỗ trợ cho một nhà máy wafer hoạt động được. Đối với đóng gói kiểm thử không đòi hỏi cao như vậy, bên cạnh đó trong lĩnh vực này cũng có nhiều phân khúc khác nhau như chiplet, SoC. Những phần này hoàn toàn Việt Nam có thể tham gia”, ông Quang nói.
Ở góc độ cơ quan tư vấn chính sách, TS. Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng nhận định, thời gian qua có rất nhiều tập đoàn bán dẫn về Việt Nam như NVIDIA, GlobalFoundries, các công ty sản xuất thiết bị bán dẫn, các công ty đóng gói kiểm thử sớm đã có mặt tại Việt Nam như Amkor, Intel, Hana Micron …
Sự dịch chuyển ngành công nghiệp bán dẫn từ Trung Quốc sang các nước khác mà Việt Nam là một trong các quốc gia được lựa chọn, giúp chúng ta có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng này. Việt Nam lại có nguồn nhân lực chất lượng cao và dồi dào. Điều này cho thấy Việt Nam đang có hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn tốt, là cơ hội cho các doanh nghiệp bán dẫn thế giới tìm đến.
Cũng theo lãnh đạo NIC, hầu hết các quốc gia trên thế giới khi thu hút và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn thì cần phải có các cơ chế đặc thù như cơ chế một cửa, hỗ trợ tiền mặt cho các nhà đầu tư. Việt Nam hiện đã nỗ lực thúc đẩy phát triển hạ tầng, đặc biệt hệ thống điện Bắc-Nam, logistics, sân bay, cảng biển… Cùng với đó là các chính sách phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
“Các nhà đầu tư đều mong muốn có cơ chế nhanh, gọn khi đầu tư, mở rộng sản xuất. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Trong đó có các hỗ trợ và ưu đãi gồm các khoản chi đầu tư ban đầu cho hoạt động công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đây là hành lang pháp lý phù hợp với bối cảnh hiện nay khi thu hút các nhà đầu tư chất lượng cao”, ông Hoài cho biết.