Chuyên gia: Cấp vốn doanh nghiệp tận dụng FTA có thể giúp dư nợ tín dụng tăng thêm vài %
(DNTO) - Doanh nghiệp đang nỗ lực tận dụng FTA để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn và khả năng vay vốn.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) năm 2023 đạt 86,1 tỷ USD, chiếm 37,35% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA.
Con số này đã có sự cải thiện rất lớn, cho thấy khả năng tận dụng FTA của doanh nghiệp đã cải thiện. Tuy vậy theo chuyên gia, con số này còn rất nhỏ so với tiềm năng. Đặc biệt, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình tận dụng FTA bởi nhiều nước xuất khẩu hàng hóa khác đang thúc đẩy việc kí kết hiệp định với đối tác lớn của ta.
Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng là 19 Hiệp định thương mại tự do. Đây là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp đưa hàng hóa Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường thế giới. Vì vậy, cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA, trong đó có hỗ trợ quan trọng là nguồn vốn.
Chia sẻ trong buổi đối thoại “Vai trò của đào tạo nhân lực hiểu biết về FTA đối với ngân hàng trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA” hôm 2/12, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết đối với doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu hay doanh nghiệp vừa và nhỏ đều là đối tượng ưu tiên hỗ trợ vốn từ ngành ngân hàng nói riêng và pháp luật nói chung. Vì vậy ngành ngân hàng luôn có chính sách cho vay tốt nhất với nhóm doanh nghiệp này. Ví dụ để tận dụng FTA, có ngân hàng hiện nay cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp nhất 3,7%.
Nhưng câu hỏi là tại sao lãi suất thấp như vậy nhưng đa phần doanh nghiệp không tiếp cận được. Ông Hùng lý giải, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông thường có thể do liên quan đến tài sản đảm bảo, uy tín, đầu vào đầu ra và kiểm soát dòng tiền. Đối với trường hợp vay bằng tín chấp thì liên quan đến điểm tín dụng của doanh nghiệp.
Với doanh nghiệp xuất nhập khẩu khác ở điểm họ có hợp đồng mua bán hàng hóa. Khi vay vốn họ có thể thế chấp bằng Bộ chứng từ nếu như tìm được ngân hàng uy tín. Nhưng doanh nghiệp xuất khẩu của ta vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay rẻ vì dù chúng ta có FTA nhưng sản phẩm của ta có đảm bảo yêu cầu về sản xuất xanh, sạch, có bị trả về không hay giá thành có thể cạnh tranh hay không… Ngân hàng sẽ xem xét tất cả hợp đồng đó có đáp ứng được yêu cầu hay không. Vì vậy khi đàm phán mà không đáp ứng yêu cầu đảm bảo bài toán kinh tế thì bản thân doanh nghiệp cũng không thể vay được.
“Không giống như nhiều ngân hàng trong nước họ có thể nâng khống khi kí kết hợp đồng. Khi ngân hàng quốc tế họ mở tín dụng, đầu ra họ đã nắm được, để tính toán đầu vào chỉ cần môt bài toán đơn giản là biết doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hay không, có cho vay được không”, ông Hùng phân tích.
Đồng quan điểm, ông Lê Anh Văn, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng tiếp cận vốn để xuất nhập khẩu hàng hóa buộc phải đáp ứng các tiêu chí về môi trường, lao động, chưa kể các báo cáo về tài chính cũng phải đảm bảo chuẩn mực kế toán quốc tế. Nhưng đây lại là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Để doanh nghiệp tận dụng FTA thì nhân sự của các doanh nghiệp cũng phải có kiến thức chuyên môn, chứng chỉ phù hợp do các nước thuộc Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cấp. Ví dụ như chứng chỉ về kế toán kiểm toán do các tổ chức Anh Quốc cấp, các chứng chỉ về tiêu chuẩn môi trường để tư vấn, đánh giá hay thẩm định.
Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, cần hỗ trợ các tổ chức trung gian như các tổ chức tài chính, ngân hàng, các công ty tư vấn thuế, công ty kiểm toán và bảo hiểm, các công ty tư vấn môi trường, pháp lý... Đây là hệ sinh thái quan trọng để giúp doanh nghiệp thực thi các cam kết FTA.
“Chúng ta đã có những chính sách hỗ trợ nhưng chưa hướng đến đối tượng hỗ trợ tập trung là các tổ chức trung gian đó. Ở những nước phát triển tận dụng tốt FTA thì những tổ chức trung gian tư vấn rất phát triển. Vì chính sự phát triển của các tổ chức này sẽ khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Lê Anh Văn nói.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho biết doanh nghiệp rất cần vay vốn từ ngân hàng nên các cơ quan chức năng đang thành lập hệ sinh thái để hỗ trợ doanh nghiệp.
Vừa rồi, Bộ Công thương và các Bộ ngành cũng đã có khảo sát nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp trên toàn quốc, định hình được những lĩnh vực nào doanh nghiệp quan tâm, tuy nhiên chưa có điều kiện khảo sát ngân hàng.
Cơ quan này đang hướng tới phối hợp với phía hiệp hội ngân hàng và doanh nghiệp để xây dựng các chương trình đào tạo làm sao sát nhất với nhu cầu của doanh nghiệp. Ông Khanh kì vọng nếu ngân hàng lớn quan tâm hơn nữa về việc hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA thì tỷ lệ dư nợ tín dụng có thể tăng từ 2% lên 10% trong những năm tới.
“Mỗi một % dư nợ tín dụng tăng thêm là con số vốn cực kì lớn. Nguồn vốn đó thẩm thấu vào doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nền kinh tế”, ông Khanh nói.
Ngoài vay vốn từ ngân hàng, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng có rất nhiều nguồn vốn từ các quỹ trong và ngoài nước mà doanh nghiệp có thể tiếp cận. Với các quỹ hỗ trợ trong nước, cần hoàn thiện chính sách pháp luật để làm sao phát huy hiệu quả Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa hay Quỹ khởi nghiệp sáng tạo.